Hội nghị quốc gia về đánh giá tác động môi trường ngày 4-11-2011

122.jpg

Hội nghị Quốc gia đánh giá Môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường: Công cụ hữu hiệu phòng ngừa , ngăn chặn ô nhiễm suy thoái môi trường
;
Thứ sáu, ngày 04 tháng 11 năm 2011 cập nhật lúc 16:57

Ngày 4/11, Hội nghị Quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐMT) và cam kết bảo vệ môi trường (CBM) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận tổng kết việc thực hiện các quy định về triển khai thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở các Bộ, ngành, địa phương, chia sẻ và phổ biến kinh nghiệm hay, mô hình tốt. Đồng thời xác định những tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới; trao đổi, hướng dẫn triển khai Nghị định 29/2011 của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đặc biệt nhấn mạnh tới quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc ban hành các chủ trương, chính sách và chỉ đạo, các Bộ, ngành địa phương thực hiện đường lối phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế vẫn còn “Một số cấp ủy đảng, chính quyền cũng như nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Sự tham gia của hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát việc thưc thi pháp luật, chính sách về môi trường còn chưa tích cực, hiệu quả; còn coi nhẹ vấn đề môi trường trong khi ban hành chính sách phát triển kinh tế – xã hội; việc rà soát, lồng ghép vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kết hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ thực hiện chưa tốt”- PGS.TS. Phạm Văn Linh nói.
Theo báo cáo của Cục thẩm định, đến nay có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ĐMC cho quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được khoảng 100 – 200 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM, nhưng 5 năm qua có khoảng 50 dự án không được thẩm định. Công tác thẩm định ĐTM ở các địa phương cũng rất khác nhau, có địa phương thẩm định, phê duyệt từ 100 –200 báo cáo. Đáng tiếc hầu như các Bộ, ngành, không thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM.
 
 
Hiện nay, công tác xây dựng báo cáo ĐMC và ĐTM còn nhiều bất cập do chất lượng cán bộ tư vấn, nhận thức của đơn vị chủ quản chưa thực sự coi trọng công tác này; chất lượng báo cáo ĐTM của nhiều dự án còn thấp, biện pháp bảo vệ môi trường thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức chưa được thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ doanh nghiệp tại Bình Dương thực hiện công tác này rất thấp, từ năm 2005 đến nay mới có 7 dự án được cấp giấy chứng nhận hòan thành so với khoảng 380 dự án được phê duyệt báo cáo ĐTM.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, Tổng cục Môi trường kiến nghị 9 giải pháp, bao gồm việc rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện; tăng cường đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức cho cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về lập báo cáo; kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác này ở các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị và tài chính; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường làm chuẩn mức cho công tác ĐMC, ĐTM, CBM; đẩy mạnh công tác quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường tổng hợp định hướng cho công tác ĐMC, ĐTM và đẩy mạnh việc đàm phán với các nước trong khu vực để xây dựng và ban hành những thỏa thuận, điều ước về ĐMC xuyên biên giới.
Thao Lan