Xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang

2(43)

Ngày 31/12/2019, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, đã diễn ra phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang”, mã số nhiệm vụ: 12/15-ĐTĐL.XH-XHTN. Nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia, đặt hàng từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, để tuyển chọn thực hiện trong kế hoạch năm 2015. Nhiệm vụ do PGS.TS. Phạm Trung Lương làm Chủ nhiệm, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là Cơ quan Chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ 11/2015 đến 10/2019.

Điều hành phiên họp là GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực Sinh thái học, Đa dạng Sinh học, Địa lý Kinh tế và Văn hóa, Du lịch Sinh thái, Địa lý Du lịch, Lý luận Văn hóa…  

Tại phiên họp, Chủ nhiệm nhiệm vụ PGS. TS. Phạm Trung Lương đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng thành công 02 mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học là mô hình du lịch sinh thái (tại Rạch Tràm thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc) và du lịch sinh thái cộng đồng (tại đảo Hòn Rỏi thuộc Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc). Vườn quốc gia Phú Quốc và Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc nằm trong vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang.

GS. TS. Nguyễn Hoàng Trí điều hành tại phiên họp.
 

Sau khi chủ nhiệm trình bày tóm tắt báo cáo, Hội đồng đã đưa ra những đóng góp ý kiến đối với nhiệm vụ: Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện nghiên cứu của chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu. Nhiệm vụ đã thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành toàn bộ những nội dung cam kết, những đóng góp chính bao gồm:  Tổng quan những vấn đề lý luận chính về phát triển du lịch, sinh thái và đa dạng sinh học cũng như mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới và tại Việt Nam. Khái quát lý luận về mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên triết lý “Đất lành chim đậu” để khẳng định “Bảo tồn cho phát triển – Phát triển phải bảo tồn”. Xác định rõ những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, theo đó nhận thức xã hội về vai trò của du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái với bảo tồn; việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản về phát triển du lịch xanh với trọng tâm là du lịch sinh thái, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch.

Bên cạnh những đóng góp về lý thuyết, kết quả nghiên cứu còn có những đóng góp thực tiễn cụ thể, bao gồm: Dựa trên phân tích tác động của các hoạt động phát triển lên đa dạng sinh học tại Khu DTSQ Kiên Giang nói chung, những địa bàn trọng điểm về bảo tồn và các quy định pháp luật hiện nay, đã đề xuất những mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học với các hợp phần về tổ chức quản lý, hợp phần về sản phẩm du lịch và hợp phần về tổ chức triển khai. Những mô hình đề xuất có cơ sở khoa học, thực tiễn và có khả năng áp dụng trong thực tế khi nhận thức xã hội về vai trò của du lịch, đặc biệt là du lịch thân thiện với môi trường như du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch đồng được đầy đủ hơn. Cùng với đó là có được hỗ trợ từ chính quyền để hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng dịch vụ du lịch cho các bên tham gia, đặc biệt là cộng đồng.

Nhiệm vụ đã xây dựng được 02 mô hình thử nghiệm được vận hành trong điều kiện thực tế là mô hình du lịch sinh thái và du lịch sinh thái cộng đồng. Những mô hình này đã được chuyên gia quốc tế và các bên tham gia mô hình (chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, cộng đồng người dân và doanh nghiệp xã hội du lịch) đánh giá cao tính thực tiễn và hiệu quả của mô hình. Cộng đồng tham gia mô hình đã thành lập được Tổ du lịch cộng đồng với quy chế (hương ước) hoạt động được chính quyền xã ủng hộ. Doanh nghiệp du lịch tham gia mô hình đã sử dụng kết quả xây dựng mô hình, đặc biệt là hợp phần về sản phẩm trong hoạt động kinh doanh với cam kết hợp tác cùng các đối tác khác trong việc duy trì, phát triển mô hình trong tương lai.

Các mô hình được sử dụng trong thực tiễn (mô hình phát triển du lịch sinh thái tại Rạch Tràm – Vườn Quốc gia Phú Quốc và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Hòn Rỏi – Khu Bảo tồn biển Phú Quốc) lần đầu tiên được doanh nghiệp (Công ty Red River Tour) đưa vào hoạt động kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không chỉ tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp mà còn có đóng góp phát triển kinh tế của địa phương

Các mô hình được vận hành và sử dụng trong kinh doanh của doanh nghiệp còn đem lại lợi ích cho các bên tham gia, đặc biệt cho cộng đồng vốn còn nghèo ở 2 điểm xây dựng mô hình (ấp Rạch Tràm và ấp Hòn Rỏi). Lần đầu tiên cộng đồng ở địa phương có sinh kế mới (dịch vụ lưu trú tại nhà, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn, bán hàng lưu niệm cho khách du lịch…) và qua đó tăng thu nhập so với trước đây. Cho dù số lượng các hộ dân tham gia mô hình còn hạn chế do năng lực tài chính và kỹ năng dịch vụ, tuy nhiên kết quả này đã khẳng định tính hiệu quả xã hội mà kết quả thực hiện nhiệm vụ tạo ra. Trong tương lai, khi mô hình được mở rộng và nhân ra tại những điểm có điều kiện tương đồng ở Khu DTSQ Kiên Giang thì hiệu quả này sẽ nhân lên nhiều hơn.

Nhiệm vụ cũng có những công trình công bố, đào tạo góp phần nâng cao năng lực du lịch sinh thái gắn với bảo tồn cho đội ngũ cán bộ tại các bản quản lý vườn quốc gia và cộng đồng địa phương. Các mô hình xây dựng tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang sẽ được các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam khác nghiên cứu và tham khảo.
 

Các thành viên trong Hội đồng và nhóm nghiên cứu chụp ảnh tại buổi họp.

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên – Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *