ThienNhien.Net – Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, bên cạnh những giá trị không thể phủ nhận về kinh tế, việc xây dựng những con đập thủy điện kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, sinh thái. Những hệ lụy ấy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh và cư dân vùng đập mà còn tác động không nhỏ đến các cộng đồng ven sông, đặc biệt là nơi hạ nguồn. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo cùng các tác động nhãn tiền, nhiều con đập lớn vẫn đang được xây dựng khắp thế giới và Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất.;
Bùng phát đập thủy điện toàn cầu
Cách đây 10 năm (11/2000) Ủy hội Đập Thế giới (WCD) đã cho ấn hành một nghiên cứu rộng rãi trên toàn cầu về ảnh hưởng của các con đập lớn cùng các dự án phát triển.
Mười năm sau – 2010, Water Alternatives – một tờ báo độc lập chuyên về nước, chính trị và phát triển – đã cùng nhìn lại bản khảo sát của WCD, xem các con đập lớn hiện nay ảnh hưởng ra sao trên sinh cảnh môi trường, kinh tế xã hội và đời sống cư dân ven sông – một khảo sát không chỉ dừng lại ở những nạn nhân trực tiếp trên vùng xây đập bị cưỡng bách tái định cư, mà bao gồm cả các cộng đồng dân cư hạ nguồn tại 70 quốc gia, trên 120 con sông của thế giới .
Do cơn khát năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, Trung Quốc vẫn đang ráo riết xây thêm những con đập bậc thềm Vân Nam với cái giá kinh tế xã hội và môi sinh mà các quốc gia vùng hạ lưu phải trả.
Không chỉ xây đập trên suốt nửa chiều dài sông Mê Kông chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc còn tham gia vào các kế hoạch xây dưng đập vùng hạ lưu trên lãnh thổ Lào như: Pak Beng 1.320 MW, Pak Lay 1.320 MW, Sanakham 1.000 MW và Campuchia: Sambor 2.600 MW với chi phí lên tới 5 tỷ USD.
Trước sức ép phản đối các con đập của Trung Quốc của công luận, của các nhóm hoạt động môi trường và gay gắt nhất là từ các cộng đồng cư dân hạ lưu, tại Hội nghị Huahin tại Thái Lan bàn về khai thác bền vững nguồn tài nguyên Mê Kông, phái đoàn Trung Quốc đã cam kết chia sẻ một phần dữ kiện thủy văn liên quan tới hai con đập Vân Nam. Tuy nhiên, rốt cuộc Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối trách nhiệm về tình trạng cạn dòng của con sông Mê Kông trong thời gian vừa qua với những lý lẽ lặp lại và không thuyết phục:
Thứ nhất, theo phái đoàn Trung Quốc thì chỉ có 13,5% lưu lượng sông Mê Kông đổ xuống từ khúc sông Lan Thương, so với lưu lượng trung bình hàng năm sông Mê Kông đổ ra Biển Đông, nên các con đập Vân Nam không có ảnh hưởng đáng kể tới hạ nguồn; chưa kể các hồ chứa còn có tác dụng tích cực là điều hòa dòng chảy, ngăn ngừa lũ lụt và cải thiện dẫn thủy tiêu tưới cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Milton Osborne, chuyên gia uy tín về Đông Nam Á và là tác giả những cuốn sách nghiên cứu về Sông Mê Kông, thì vào mùa khô, lưu lượng nước sông Lan Thương ở một số nơi chiếm tới 40% lượng nước sông Mê Kông, gấp 3 lần con số Trung Quốc đưa ra.
Thứ hai, phái đoàn Trung Quốc cho rằng không phải chỉ có các quốc gia hạ lưu chịu cảnh con sông Mê Kông cạn dòng, mà chính hàng triệu cư dân các tỉnh Tây Nam Trung Quốc cũng bị thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Song, thiết nghĩ, do thay đổi khí hậu, đã thiếu mưa, hạn hán nhưng để duy trì mức sản xuất điện, 40% nguồn nước trong mùa khô đã bị giữ lại trong các con đập Vân Nam, thì hậu quả thiếu nước và cạn dòng cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba, phái đoàn Trung Quốc đã phủ nhận tiếng nói báo động của các nhóm hoạt động môi trường, và lên án những “lượng giá của họ về tác hại của các con đập Vân Nam là hoàn toàn không có cơ sở” vì Mê Kông cạn dòng là do “thiếu mưa” chứ không vì nguyên nhân nào khác.
Nhưng xét một cách toàn diện, trong khi đã thiếu mưa trên toàn lưu vực trong suốt mùa khô và Mê Kông phải trông chờ nước từ nguồn tuyết tan trên cao nguyên Tây Tạng để duy trì dòng chảy thiên nhiên nhưng nay nguồn nước ấy bị giữ lại trong hồ chứa khổng lồ của các con đập Vân Nam thì cảnh “thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan” hẳn không thể tránh khỏi.
Nói gì đi nữa thì cho đến nay Trung Quốc vẫn cương quyết từ chối gia nhập Ủy hội Sông Mê Kông để không bị ràng buộc bởi bất cứ quyết định nào của tổ chức này. Và dưới mắt cư dân hạ nguồn thì Trung Quốc đến nay vẫn “vô cảm” với những khó khăn của các quốc gia ven sông hạ nguồn Mê Kông.
Trung Quốc và những con đập khắp toàn cầu
Những con đập châu Á
Trên sông Irrawaddy: Trung Quốc đã khởi công xây con đập thủy điện lớn nhất Myanmar, Myitsone 3.600 MW trên sông Irrawaddy từ cuối năm 2007. Vị trí con đập nằm ngay trên hợp lưu của hai nhánh sông, cách Myitsone thủ phủ của bang Kachin 42 km về hướng Bắc.
Theo tờ báo The New Light of Myanmar của Myanmar, từ tháng 5 năm 2007 Myanmar đã hoàn tất phác thảo 7 dự án thủy điện trên sông Irrawaddy với tổng công suất lên tới 13.360 MW theo thỏa thuận giữa Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc và Bộ Điện lực Myanmar.
Theo tổ chức môi trường Kachin có trụ sở ở Chiang Mai (Thái Lan), nếu được triển khai, dự án sẽ khiến hơn 40 ngôi làng quanh vùng xây đập hoàn toàn bị ngập lụt và hơn 10 ngàn cư dân sẽ mất hết nhà cửa và bị cưỡng bách phải di dời. Chưa kể đến trường hợp nếu con đập bị xập do động đất sẽ gây thảm họa cho hàng triệu cư dân nơi hạ nguồn vì Bắc Myanmar là vùng động đất đang hoạt động.
Chưa hết, đập Myitsone trên sông Irrawaddy chỉ là một trong 9 dự án hợp tác Trung Quốc-Myanmar và ngoài Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc CPI thì nay có thêm một công ty xây đập lớn khác của Trung Quốc CDT (China Datang Corporation) tham dự vào.
Trên Cao Nguyên Tây Tạng: Với độ cao 3.500 đến 5.000m, xứ tuyết Tây Tạng được mệnh danh là “nóc nhà của Trái đất”, nơi bắt nguồn của các con sông lớn, mạch sống của toàn vùng Châu Á. Phía Đông ngoài hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc còn phải kể tới ba con sông khác: Mê Kông, Irrawaddy và Salween. Phía Tây và Tây Nam là các con sông: Indus, Sutlej và Yarlung Zangpo – Yarlung Zangpo còn được mệnh danh là “con sông cao nhất thế giới”.
Bắc Kinh đã xác nhận với Ấn Độ là sẽ xây con đập đầu tiên trên con sông Yarlung Zangbo-Brahmaputra, vốn là một con sông lớn, chảy xuyên qua rặng Hymalaya, đổ xuống một đại vực lớn và sâu nhất trước khi chảy sang Ấn Độ. Đây là dòng sông huyết mạch của bao nhiêu triệu cư dân Ấn.
Các chuyên gia Trung Quốc còn cho họ biết sẽ xây thêm 4 con đập nữa trong vùng thung lũng giữa hai huyện Sangro và Jiacha. Khi hoàn tất, tổng số công suất của những con đập thủy điện này sẽ “gấp nhiều lần” công suất con đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử. Nguồn năng lượng mới này tương đương với 100 triệu tấn than đá, hoặc bằng toàn bộ trữ lượng dầu khí trên Biển Đông.
Ấn Độ đã bày tỏ mối quan ngại về những con đập sắp tới của Trung Quốc, về những ảnh hưởng hủy hoại sinh cảnh vốn đã mong manh của vùng Hymalaya và nhất là tác động trực tiếp trên lưu lượng con sông Brahmaputra, là nguồn cung cấp nước cho các vùng nông nghiệp và công nghiệp các tỉnh Đông Bắc Ấn Độ. Nỗi lo ngại của Ấn Độ càng gia tăng khi nhận thức được rằng qua các con đập, Bắc Kinh sẽ hoàn toàn kiểm soát nguồn nước cung cấp cho vùng đất 90.000 km2 đang trong vòng tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Cũng như với các con đập thượng nguồn sông Mê Kông, lập luận của Trung Quốc bao giờ cũng là tiếng nói “phủ nhận” ảnh hưởng của chuỗi đập trên cao nguyên Tây Tạng đối với nguồn nước của Ấn Độ. Đồng thời, giới chức Bắc Kinh cũng cho rằng họ không có ràng buộc phải công khai hóa kế hoạch của họ với Ấn Độ, nhưng họ đã làm như vậy để tạo sự tin cậy và giảm thiểu căng thẳng giữa hai quốc gia.
Anant Krishnan, nhà ngoại giao cao cấp của Ấn Độ cho rằng kế hoạch xây đập tràn lan của Bắc Kinh, cho dù là trong lãnh thổ Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ với các quốc gia hạ nguồn.
Trên lục địa Phi Châu
Theo báo Economist, châu Phi là một lục địa ít xây đập nhất, cũng là lục địa thiếu nước và thiếu điện nhất. Đó là vùng đất hứa để xây thêm những con đập và Trung Quốc là quốc gia đã đầu tư xây nhiều con đập mới ở châu Phi. Tuy nhiên, do hiệu năng của những con đập ấy thường ở xa mức dự tính bởi khí hậu thất thường, dự báo thủy văn không chính xác cộng thêm với tham nhũng về chính trị nên châu Phi chưa phải là nơi “đắc địa” để Trung Quốc vội vã đầu tư thêm.
Trung Quốc đang bước đi trên tảng băng mỏng
Phân nửa những con đập lớn trên hành tinh này hiện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng là chủ nhân các đại công ty xây đập lớn nhất thế giới.
Chỉ mấy thập niên trước đây thôi, Trung Quốc phải viện đến sự hỗ trợ kỹ thuật của các công ty xây đập phương Tây nhưng đến nay Trung Quốc đã có thể tự chế tạo và sản xuất mọi trang bị cho công nghệ xây đập ngay tại Hoa Lục.
Trung Quốc ngày nay đang thống lĩnh thị trường xây đập toàn cầu, nhận xây 19 trong số 24 dự án đập lớn nhất thế giới. Nhưng ngoài sự làm chủ kỹ thuật xây đập, một câu hỏi vẫn được đặt ra là bằng cách nào Trung Quốc đạt được những thành tựu “xuất khẩu công nghệ xây đập” nhanh như vậy sang nhiều quốc gia khác?
Theo Peter Bosshard, Giám đốc Chính sách của Mạng lưới Sông ngòi Thế giới, nguyên nhân là trong khi các đối tác phương Tây tuy có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao hơn nhưng cũng quan tâm nhiều hơn tới ảnh hưởng môi trường và tác động xã hội của từng con đập thì phía Trung Quốc lại không có cùng mức độ quan tâm như vậy và họ không bỏ lỡ cơ hội sinh lợi, cứ thế nhận đấu thầu cho dù không đáp ứng được những tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Chính vì điều này mà báo chí đã đưa ra một ví von rất hình ảnh là Trung Quốc đang liều lĩnh bước đi trên những tảng băng mỏng. Một hình ảnh nước lớn Trung Quốc chắc chắn sẽ xấu xí hơn nếu cứ tiếp tục với những công trình xây dựng thiếu bền vững như vậy trên khắp hành tinh này.
——————————————————————————–
Bài viết đã được ThienNhien.Net biên tập lại với sự đồng ý của tác giả.
Nguồn: Thiennhien