Kinh tế Xanh-có bao gồm bạn không?

129.jpg

Kinh tế xanh: Có bao gồm bạn không? nhấn mạnh kinh tế xanh có vai trò quan trọng để chúng ta suy nghĩ lại về cách phát triển kinh tế nếu muốn tạo ra một tương lai tươi sáng.

Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2012 có chủ đề “Green Economy: Does it include” you? (tạm dịch là kinh tế xanh: Có bao gồm bạn không?) nhấn mạnh kinh tế xanh có vai trò quan trọng để chúng ta suy nghĩ lại về cách phát triển kinh tế nếu muốn tạo ra một tương lai tươi sáng.;

 
Thúc đẩy nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
 
Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) đưa ra 10 câu hỏi liên quan đến kinh tế xanh hướng đến Ngày Môi trường Thế giới năm 2012.
 
1. Kinh tế xanh là gì?
 
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền xinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.
 
Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
 
Như vậy khác với trước đây, trong “nền kinh tế nâu”, đầu tư công cần phải có sự điều chỉnh cơ bản thông qua những chính sách mới được cải thiện của các quốc gia, ưu tiên cho duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung mang lại lợi ích cho mọi người.
 
Sự đầu tư đó cũng cần chú ý tới nhóm người nghèo, bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu.
 
Kinh tế xanh phải là nền kinh tế con người là trung tâm trong đó các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
 
2. Kinh tế xanh được đo lường như thế nào?
 
Một loạt các chỉ số có thể giúp đo lường các quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh. UNEP phối hợp với các đối tác như Tổ chức Hợp tác&Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) để phát triển một bộ các chỉ tiêu mà từ đó các chính phủ có thể lựa chọn các chỉ tiêu phù hợp tùy thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia, chẳng hạn như cấu trúc của nền kinh tế hay nguồn vốn tự nhiên. Các chỉ số đang được phát triển này có thể được tạm chia thành ba nhóm sau đây:
 
Các chỉ số kinh tế: chỉ số về tỉ lệ đầu tư, tỉ lệ sản lượng và việc làm trong các lĩnh vực đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, chẳng hạn như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xanh.
 
Các chỉ số môi trường: chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, về ô nhiễm ở mức độ ngành hoặc toàn nền kinh tế (ví dụ như hệ số sử dụng năng lượng/GDP, hoặc hệ số sử dụng nước/GDP).
 
Các chỉ số tổng hợp về tiến bộ và phúc lợi xã hội: ví dụ như các chỉ số tổng hợp về kinh tế vĩ mô, bao gồm ngân sách quốc gia về kinh tế và môi trường, hoặc những chỉ số đem lại cái nhìn toàn diện hơn về phúc lợi, ngoài định nghĩa hẹp của GDP bình quân đầu người.
 
3. Tại sao kinh tế xanh lại đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững?
 
“Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Từ cuối những năm 80, thuật ngữ này đã gây được sự chú ý từ dư luận quốc tế sau khi xuất hiện trong bản báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, một báo cáo mang tính bước ngoặt của Ủy ban Brundtland; và tiếp tục gây được tiếng vang tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 (Rio 1992), được coi như là một nguyên tắc quyết định về phát triển bền vững. Phát triển bền vững đòi hỏi sự tiến bộ và tăng cường sức mạnh của cả ba yếu tố có tính chất phụ thuộc và tương hỗ: Kinh tế – xã hội – môi trường.
 
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể là một động lực quan trọng trong nỗ lực này. Thay vì bị coi như là nơi hấp thụ chất thải tạo ra bởi các hoạt động kinh tế một cách thụ động, thì trong nền kinh tế xanh môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Nói cách khác, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng và đổi mới trong nền kinh tế xanh.
 
Trong nền kinh tế xanh, nhân tố môi trường có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Ngoài ra, khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hơn nữa họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng góp phấn cải thiện sự công bằng xã hội, và có thể được xem như là một hướng đi tốt để phát triển bền vững.
 
Cách thức để áp dụng mô hình kinh tế xanh đối với một quốc gia phát triển hoặc đang phát triển có thể rất khác nhau; điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chắng hạn như đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người – xã hội và giai đoạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng bao gồm đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái thì vẫn luôn luôn không thay đổi.
 
4. Kinh tế xanh có thể giúp xóa đói giảm nghèo như thế nào?
 
Hiện nay GDP vẫn được sử dụng như là cách thức phổ biến nhất để đánh giá một nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó thường được tạo ra thông qua việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên là tài sản “chung” như tài nguyên nước, rừng, không khí là nguồn cung cấp cần thiết cho sự sống.
 
Để có tăng trưởng (theo định nghĩa này), chúng ta phải trả giá rất đắt trên cả hai phương diện kinh tế và xã hội, đặc biệt là một bộ phận những người mà sinh kế của họ phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực môi trường.
 
Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái đang ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá, lâm nghiệp – sinh kế của đa số dân nghèo trên thế giới phụ thuộc hầu hết vào các ngành này.
 
Một điều quan trọng nữa là với mục đích tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và cải thiện cơ sở hạ tầng. Hướng tới nền kinh tế xanh được coi như là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống.
 
Chẳng hạn như cung cấp các nguồn năng lượng có khả năng hỗ trợ cho 1,4 tỷ người hiện đang thiếu điện và cho hơn 700 triệu người khác hiện đang không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại.
 
Công nghệ năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các chính sách hỗ trợ năng lượng hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể cho việc cải thiện đời sống và sức khỏe cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là cho những người hiện đang không có khả năng tiếp cận với năng lượng.
 
Một điều khác mà chúng ta cần cân nhắc là việc ngừng hoặc chuyển hướng các khoản trợ cấp cho việc hủy hoại môi trường. Trên thực tế, khoảng 700 tỷ USD được chi ra mỗi năm bởi các chính phủ trên khắp thế giới để trợ cấp cho việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch; khoản chi này lớn gấp năm lần tổng số tiền dành cho hỗ trợ phát triển.
 
Phần lớn nguồn trợ cấp được phân bổ đến chính phủ các nước đang phát triển, trong nỗ lực làm dịu cú sốc tăng giá nhiên liệu đối với người nghèo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch là không hiệu quả đối với người nghèo, thường họ được hưởng lợi không tương xứng so với các nhóm có thu nhập cao hơn.
 
Gỡ bỏ các khoản trợ cấp gây hại môi trường hoặc thay thế bằng các loại hỗ trợ hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn, chẳng hạn như hỗ trợ bằng hình thức chuyển tiền mặt, là cách tốt để góp phần thực hiện mục tiêu xã hội, đồng thời nới lỏng các hạn chế về mặt tài chính và cải thiện môi trường.
 
5. Kinh tế xanh và hai quan niệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững có liên quan đến nhau như thế nào?
 
Kinh tế xanh cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể được ví như hai mặt của một đồng xu: cả hai đều cùng hướng tới mục tiêu chung là đẩy nhanh quá trình tiến tới phát triển bền vững, áp dụng lên các chính sách công, các quy định, các hoạt động kinh doanh và hành vi xã hội trên cả hai phương diện vi mô và vĩ mô.
 
Sản xuất và tiêu dùng bền vững tập trung chủ yếu vào việc tăng hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Thêm vào đó, các hoạt động của Kinh tế Xanh xem xét các xu hướng kinh tế vĩ mô và các công cụ điều tiết mà chính phủ có thể sử dụng, thông qua các chính sách kinh tế và các loại hình chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa nền kinh tế.
 
Trên thực tế, để đạt được mục tiêu trên, cần có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa một bên là nền kinh tế xanh và bên kia là sản xuất và tiêu dùng bền vững. Sự hỗ trợ đó được thể hiện qua các hình thức can thiệp mang tính vĩ mô và vi mô, hay các yêu cầu thay đổi trong chính sách và quy định về đầu tư và hoạt động kinh doanh, cũng như thay đổi hành vi trong xã hội.
 
Cả hai yếu tố trên đều đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. 10 năm Chương trình Khung về Sản xuất&Tiêu dùng Bền vững (10 YFP) là một trong những chủ đề chính của Chương trình Nghị sự Ủy ban về Phát triển Bền vững (CSD), được tổ chức như một thành quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới&Phát triển Bền vững (Johanesburg, 2002). Xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo là một trong hai chủ đề chính của Hội nghị Liên Hợp quốc về Phát triển Bền vững (Rio +20) diễn ra vào tháng 6 năm 2012 tại Rio de Janeiro, Brazil.
 
6. Kinh tế xanh có thể tạo ra việc làm như thế nào?
 
Nền kinh tế xanh có khả năng tạo ra việc làm trong một loạt các lĩnh vực mới nổi và nhiều tiềm năng, chẳng hạn như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, cải tạo các khu công nghiệp, tái chế…
 
Một công việc tốt được hiểu như là công việc có năng suất lao động cao, cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp, sẽ góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng và giúp bảo vệ môi trường – khí hậu. Đã có rất nhiều những việc làm xanh như vậy được tạo ra, đặc biệt là trong ngành năng lượng tái tạo.Tuy nhiên, để đảm bảo một quá trình chuyển đổi nhịp nhàng sang nền Kinh tế Xanh, cần thiết phải có nỗ lực phối hợp trong việc tạo ra việc làm.
 
Các chính sách về xã hội sẽ cần phải được phát triển cùng với các chính sách về môi trường và kinh tế. Để đảm bảo một quá trình chuyển đổi nhịp nhàng, nhà nước cần tập trung vào các vấn đề quan trọng và cấp thiết, như đầu tư vào những kỹ năng mới, không thể thiếu cho một nền kinh tế toàn cầu, các-bon thấp; hay nghiên cứu các chính sách cần thiết để điều chỉnh việc làm trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng và giao thông vận tải.
 
7. Kinh tế xanh bảo vệ sự đa dạng sinh học như thế nào?
 
Suy giảm đa dạng sinh học làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hoà khí hậu trong dài hạn và có thể dẫn đến những biến đổi không thể lường trước và có thể không đảo ngược trong hệ thống trái đất và những thay đổi trong các dịch vụ hệ sinh thái. Hơn nữa, hệ sinh thái là nguồn cung chủ yếu các nguyên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế.
 
Bởi những lý do này mà việc gìn giữvà bảo vệ các hệ sinh thái là trọng tâm của Chương trình Nghị sựKinh tế Xanh. Ngoài ra, đầu tư xanh cũng nhằm giảm những hệ quả tiêu cực do các yếu tố bên ngoài gây ra bởi việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
 
Ví dụ, đầu tư vào bảo vệ rừng không những duy trì một loạt các ngành và sinh kế của con người mà còn bảo tồn 80% các loài trên cạn. Bằng cách thúc đẩy đầu tư vào lâm nghiệp xanh, Chương trình Nghị sự Kinh tế Xanh sẽ góp phần ổn định đời sống kinh tế của hơn một tỷ người hiện đang sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ, giấy và chất xơ, với tổng thu nhập chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu.
 
8. Kinh tế xanh có thể đem lại điều gì cho các nước đang phát triển?
 
Chính sách kinh tế xanh có thể giúp các nước đang phát triển đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội về nhiều mặt, chẳng hạn như thông qua việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua đầu tư và áo dụng sản xuất sạch hơn; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp nông nghiệp bền vững và tiếp cận với các thị trường mới nổi nhờ các hàng hóa và dịch vụ “xanh” của họ.
 
Những tiến bộ trong khai thác hiệu quả tài nguyên và đa dạng hóa các nguồn năng lượng sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia, tránh những biến động của giá cả thị trường; đồng thời hạn chế các ảnh hưởng môi trường và chi phí liên quan đến sức khỏe từ những hoạt động sản xuất. Tất nhiên, mỗi quốc gia phải tự đánh giá các nguồn cung cấp vốn của mình và xem xét khả năng để có thể tối ưu hóa cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
 
Trong bản báo áo cáo gần đây của UNEP có tựa đề: "Những câu chuyện thành công của các nước đang phát triển", nhờ có sự hỗ trợ từ các chính sách và các khoản đầu tư xanh, hàng loạt các sáng kiến đã đem lại những lợi ích tích cực cho các nước đang phát triển; và nếu được mở rộng và tích hợp vào chiến lược toàn diện, có thể tạo ra một con đường phát triển bền vững, mà ở đó sự phát triển – việc làm và người nghèo đều được quan tâm và coi trọng.
 
9. Liệu kinh tế xanh có dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ hay không?
 
Nhiều người cho rằng việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh có thể dẫn đến bảo hộ thương mại và gia tăng các điều kiện về viện trợ phát triển. Nhằm khuyến khích việc áp dụng các giải pháp bền vững, nhiều biện pháp thương mại đã được sử dụng như các hạn ngạch tiêu chuẩn, trợ giá, đầu tư công… thường bị cho là có khả năng dẫn đến bảo hộ xanh.
 
Có ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn về môi trường – mặc dù đem lại hiệu quả trong việc kích thích thị trường hàng hóa và dịch vụ bền vững – có thể bị coi như một rào cản cho các nhà xuất khẩu đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng thường thiếu các nguồn lực cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn.
 
Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc để tìm ra giải pháp hợp lý, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường, vừa bảo vệ sức khỏe và môi trường. Ở cấp độ quốc tế, một trong những cách thức nhằm giảm nhẹ nguy cơ này là đảm bảo sự tham gia của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán – thiết lập tiêu chuẩn và quy trình có liên quan. Ở cấp độ quốc gia, cần xem xét các tác động của việc xây dựng các chính sách xanh đến hoạt động thương mại với các nước khác, đặc biệt là với các nước có thu nhập thấp.
 
10. Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang kinh tế xanh?
 
Để kích thích đầu tư xanh và hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh việc áp dụng một số chính sách, từ các công cụ điều tiết kinh tế, các quan hệ đối tác công – tư đến các sáng kiến ​​tự nguyện. Sự phù hợp và tính hiệu quả của việc áp dụng một chính sách lên một quốc gia thường phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực hiện có và năng lực của quốc gia đó.
 
Chính phủ có thể áp dụng thông qua các chính sách tài khóa và tài chính công. Ví dụ, đầu tư công cho nghiên cứu và phát triển là một giải pháp hiệu quả nhằm khuyến khích sự đổi mới cần thiết sang một nền kinh tế xanh. Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận với nguồn vốn còn nhiều hạn chế, thì đầu tư công cho kinh tế xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua các nỗ lực về đầu tư công bền vững, chính phủ cũng có thể kích cầu cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ xanh.
 
Ngoài ra, chính phủ cần điều chỉnh các tác động ngoại lai tiêu cực, bằng cách đảm bảo rằng giá cả phản ánh chi phí thực tế của hàng hoá và dịch vụ, bao gồm cả chi phí môi trường – điều mà thị trường thường không nắm bắt được; sử dụng công cụ thuế – chẳng hạn như thuế về ô nhiễm – cũng là những can thiệp về chính sách quan trọng cần được chính phủ quan tâm nhiều hơn.
 
Một khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tếxanh và xử lý nghiêm các hình thức sản xuất và tiêu dùng gây hại cũng rất cần thiết. Nâng cao năng lực của chính phủ và các bên liên quan, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cộng đồng có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Nguồn: UNEP