Thiếu vắng sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát về môi trường

154.jpg

Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Rất nhiều nguyên nhân đã được gọi tên, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất là pháp luật về bảo vệ môi trường của chúng ta vẫn còn thiếu các yếu tố của một hệ thống quản trị tốt mà một trong số đó là sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát. Bài viết dưới đây của GS. TSKH Đặng Hùng Võ sẽ dành phân tích điều này. ;
Theo bản tin của Trung tâm Con người và Thiên nhiên – Số 12, Quý VI/2013.
Ảnh Lê Quỳnh

 Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) thứ nhất được Quốc hội thông qua năm 1993 được coi như bước đầu tiên cả nước làm quen với quản lý môi trường. Trên thế giới lúc đó cũng vậy, biết rằng môi trường là vấn đề quan trọng nhưng cách làm vẫn còn sơ khai và bỡ ngỡ. Sau đó, các nước phát triển đã đưa ra nhiều công cụ quản lý quan trọng như các tiêu chuẩn môi trường, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các giải pháp bảo vệ môi trường, cách thức giải quyết ô nhiễm v.v… Các nhà quản lý của Việt Nam cũng nhanh chóng tiếp thu và lấp đầy những khoảng trống pháp luật trong quá trình xây dựng Luật BVMT.

Luật BVMT thứ hai được Quốc hội thông qua năm 2005 đã đề cập khá toàn diện những công cụ quản lý. Công cụ ĐMC, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường (CBM) đã được quan tâm đặc biệt trong quá trình triển khai. Năm 2011, Chính phủ ban hành riêng Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định về ĐMC, ĐTM, CBM và chỉ 3 năm sau Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 35/2014/NĐ-CP. Tất cả những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được ban hành từ 2005 tới nay đã chứng minh được sự quan tâm đặc biệt và nỗ lực lớn của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bất ổn môi trường do những khoảng trống trong luật

Trên thực tế, vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn quá nhiều bất cập. Trước hết, công cụ ĐMC, ĐTM vẫn chưa bảo đảm tính đầy đủ, chính xác và chuyên nghiệp; trong hầu hết các trường hợp vẫn có biểu hiện hình thức. Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được đưa ra trong ĐMC, ĐTM nhưng không được thực thi hoặc chưa được thực thi đầy đủ do sự buông lỏng hoặc đồng tình của cơ quan quản lý. Một số ít trường hợp vi phạm được phát hiện bởi thanh tra hoặc cảnh sát môi trường song nhiều trường hợp không được xử lý thoả đáng. Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều trường hợp người dân phát hiện, bức xúc do bị ảnh hưởng, nhưng các cơ quan quản lý lại trễ nải trong tiếp nhận và xử lý. Có thể lấy vụ Công ty Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hoá chôn lấp thuốc trừ sâu không đúng pháp luật là một ví dụ điển hình.

Thời gian vừa qua, các dự án khai thác khoáng sản, dự án xây dựng thuỷ điện gây ô nhiễm môi trường nặng nề cũng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội khi các chủ đầu tư gần như không thực hiện nghĩa vụ môi trường theo quy định của pháp luật. Tình trạng phá rừng làm thuỷ điện nhưng không trồng bù lại rừng, tuyển quặng trong khai thác khoáng sản làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất nhưng không xử lý đang xảy ra ở nhiều nơi. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không lắp đặt hệ thống xử lý chất thải cũng chiếm tới gần 50% tổng số. Nhiều trường hợp hệ thống xử lý được lắp đặt nhưng không đáp ứng yêu cầu, hoặc chỉ lắp theo yêu cầu nhưng vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường chứ không sử dụng.

Có thể coi tất cả những hành vi này là tham nhũng môi trường khi mà nhà đầu tư không chi trả để ngăn ngừa thiệt hại hoặc bồi hoàn môi trường mà lại biến chi phí này thành lợi nhuận kinh doanh của mình. Hành vi tham nhũng này là nguyên nhân của những thực tế ô nhiễm môi trường đang gây nên xung đột ở khá nhiều nơi. Và những xung đột, bức xúc ấy cho thấy vẫn còn một số khoảng trống pháp luật nào đó hoặc thiếu sót trong thực thi vẫn đang tồn tại trong hệ thống pháp luật hiện hành về môi trường. Đây cũng chính là yêu cầu cần đặt ra trong sửa đổi Luật BVMT hiện nay.

Áp dụng hệ thống quản trị tốt để bảo vệ môi trường

Sự cần thiết phải áp dụng một hệ thống quản trị tốt trong quản lý môi trường đã được chứng minh trên thế giới. Quản lý là một khái niệm từ phía công việc của cơ quan nhà nước. Quản trị là một khái niệm bổ sung từ phía người dân tham gia vào quản lý. Mục tiêu của quản trị là làm giảm tham nhũng từ phía quản lý và giảm khiếu kiện từ phía người dân.

Quản trị bao gồm 4 yếu tố cốt lõi: công khai và minh bạch thông tin quản lý; người dân tham gia vào quản lý và giám sát; cán bộ quản lý phải thực hiện trách nhiệm giải trình; việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan quản lý cần được giám sát chặt chẽ.

Để thực hiện được các yếu tố quản trị tốt, một hệ thống theo dõi và đánh giá trong quản lý môi trường cần được thiết lập và vận hành để cung cấp đủ thông tin cho quản lý, giúp người dân tham gia, giám sát được công việc quản lý, cũng như đánh giá được hiệu quả và tác động của quản lý. Luật Đất đai 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã chứa đựng khá đầy đủ các yếu tố của một hệ thống quản trị tốt về đất đai. Luật BVMT (sửa đổi) lần này cũng cần phải bổ sung đầy đủ các yếu tố của hệ thống quản trị.

Về công khai và minh bạch thông tin quản lý môi trường, Điều 138 của Dự thảo có quy định về công khai thông tin môi trường, trong đó Khoản 2 có nội dung "Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin". Thực tế thì chúng ta cần một quy định cụ thể hơn như phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý môi trường và bảo đảm quyền truy cập thông tin đối với mọi người có nhu cầu.

Về sự tham gia của người dân, các Điều quy định về ĐMC (từ Điều 13 tới Điều 18 của Dự thảo) chỉ có Khoản 8 của Điều 15 có nội dung "Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược", nhưng không quy định rõ tham vấn ai, tham vấn bằng cách nào và theo quy trình nào. Nội dung tham vấn trong ĐTM, Điều 22 yêu cầu: "Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường", nhưng cũng không có bất kỳ một quy định cụ thể nào. Khi nói về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường tại Điều 154, Dự thảo cũng chỉ trao quyền cho đại diện của cộng đồng, trong đó không quy định rõ cộng đồng dân cư được hiểu theo khái niệm nào và đại diện được lựa chọn theo cơ chế nào. Để tham vấn có ý nghĩa thực chất, quá trình tham vấn cần được quy định cụ thể trong Luật.

Ngoài ra, Dự thảo Luật hoàn toàn không đề cập tới quyền của người dân tham gia vào quản lý và giám sát. Trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý cũng không được quy định. Hệ thống theo dõi và đánh giá cũng vắng mặt trong Dự thảo này.

Để bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, luật pháp cần trao quyền tham gia quản lý, giám sát cho người dân. Để thực hiện được quyền này, thông tin quản lý phải công khai và minh bạch, hệ thống theo dõi và đánh giá phải được vận hành. Những khoảng trống pháp luật gây ra các bức xúc thực tế trong giai đoạn vừa qua chính là do sự thiếu vắng các quy định cụ thể về các yếu tố như vậy của hệ thống quản trị tốt về môi trường mà Luật BVMT sửa đổi cần phải khắc phục.  

GS, TSKH Đặng Hùng Võ
Theo bản tin của Trung tâm Con người và Thiên nhiên – Số 12, Quý VI/2013.

Ảnh Lê Quỳnh