Cộng đồng dân cư dân tộc Thái tại xã Thành Lâm là cộng đồng dân tộc thiểu số, là cộng đồng nghèo ở vùng núi cao huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa. Nguồn lực sinh kế chủ yếu dựa vào đất rừng, thu nhập thấp, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm khoảng 38.44% số hộ dân. Người dân xã Thành Lâm hiện nay không chỉ đối mặt với cái nghèo, mà còn chịu rủi ro tiềm ẩn về sự xâm nhập của dịch bệnh (như bệnh cúm virus), thực trạng diễn biến dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, và do phát triển loại hình du lịch sinh thái với nguồn lây nhiễm là du khách trong nước và nước ngoài. Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh cần phải nâng cao sức khỏe miễn dịch của người dân, cộng đồng và cải thiện sinh kế từ nguồn lực địa phương. Phát triển cây sói rừng (Sarcandra glabra) là một hoạt động trong sử dụng nguồn lực cây thuốc bản địa để góp phần nâng cao sức khỏe miễn dịch và cải thiện sinh kế người dân địa phương.
Dự án “Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói Rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch ở cộng đồng người Thái, xã thanh Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa” được tài trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) của Liên Hiệp Quốc (UNDP), được Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI) triển khai từ tháng 7/2021 và hết tháng 8/2023 với 3 mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu 1: Phát triển cây thuốc sói rừng tại vườn nhà, vườn rừng góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tộc Thái ở xã Thành Lâm huyện Bá Thước;
- Mục tiêu 2: Hình thành thói quen của người dân sử dụng dược liệu lá sói rừng làm loại đồ uống hàng ngày để nâng cao sức khỏe miễn dịch;
- Mục tiêu 3: Xây dựng và lan tỏa mô hình phát triển cây dược liệu bản địa (sói rừng) để cải thiện sinh kế và nâng cao sức khỏe miễn dịch, chủ động ứng phó với tác động từ bên ngoài của dịch bệnh đối với cộng đồng vùng núi cao
Dự án đã khai thác và phát triển bền vững cây Sói Rừng – một loại cây thuốc quý mọc tự nhiên ở địa phương nhằm phát triển thành sản phẩm một mặt vừa dùng để tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch cho người dân, cộng đồng, chủ động ứng phó nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo ra các sản phẩm thương mại nhằm cải thiện sinh kế, giúp giảm nghèo và góp phần bảo tồn, phát triển giống cây thuốc quý của địa phương. Trong quá trình triển khai dự án đã tiến hành phát cây giống cho các hộ gia đình, đợt 1 là 13.540 cây và đợt 2 là 8.250 cây. Tổng diện tích đất vườn của 74 hộ gia đình đã trồng cây Sói rừng ước tính khoảng 11,54 ha.
Vườn trồng cây sói rừng của Dự án
Cùng với đó, Dự án cũng có các hoạt động lồng ghép giới như nghiên cứu tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ dân tộc Thái xã Thành Lâm được tiếp cận với các cơ hội sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần tăng cường vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển KT-XH xã Thành Lâm, huyện Bá Thước.