VACNE-Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè, Trưởng ban Phản biện xã hội – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về ảnh hưởng của hệ thống thuỷ điện chằng chịt Sông Đồng Nai tới nguồn nước vùng hạ du.
SGTT.VN – Sông Đồng Nai với quy hoạch thuỷ điện chằng chịt làm ảnh hưởng nguồn nước vùng hạ du. Những khu công nghiệp, làng nghề xả thải khiến những ảnh hưởng ô nhiễm dây chuyền cho các địa phương có con sông này đi qua. Đã xuất hiện tình trạng “xung đột môi trường” giữa các địa phương như cảnh báo mới đây của bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên.
;
Giải pháp tổng thể nào cho toàn khu vực? Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoè, trưởng ban Phản biện xã hội – hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh câu chuyện này.
Thưa ông, lời giải cho bài toán phát triển “lợi ích của tỉnh này là tai hoạ cho tỉnh khác”?
Hiện trạng các thuỷ điện bậc thang trên lưu vực sông Đồng Nai. Ảnh: TL |
Đây chính là “cái giá” chúng ta phải trả cho việc phát triển thiếu bền vững. Các địa phương hiện nay sử dụng nguồn nước, cũng như tài nguyên như những người “không hiểu biết”, với mục tiêu thoả mãn nhu cầu. Anh nào khai thác cứ khai thác, anh nào xả cứ xả, mà không quan tâm đến dân cư, các khu vực khác. Diễn biến môi trường là một quá trình tích luỹ chậm hay còn gọi là sự cố trường diễn. Nó khác các sự cố cấp diễn như bão hay triều cường đến nhanh, dễ nhận biết… nó lầm lũi tiến và vận vào chính chúng ta. Nếu các địa phương không tôn trọng, các địa phương sẽ phải trả giá, chứ không đơn thuần anh gây thiệt hại cho tôi mà anh không bị ảnh hưởng gì. Đặc biệt, có những sự cố trường diễn hậu quả không thể cải thiện được, đất sẽ thành đất bỏ hoang. Chúng ta không thể sống được, phải di dân đi nơi khác.
Nhưng dường như quan điểm “tôi phát triển kinh tế không liên quan tới thiệt hại môi trường của anh” vẫn diễn ra, thưa ông?
Đúng là hiện nay có tình trạng các cơ quan quản lý địa phương dường như biết mà không chịu làm, không chịu ứng phó. Tăng trưởng nóng kinh tế nhưng không thiên về phát triển bền vững tài nguyên như chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, chính các địa phương cũng đã và đang ủng hộ cho doanh nghiệp (DN) tại địa phương mình phạm luật mà không hề tự kiểm soát. Cứ “ào ào cấp phép”, cứ để cho DN “ăn” môi trường, nhằm thu lợi nhuận mà không quan tâm xem các DN này không hề có cơ sở xử lý chất thải.
Thực ra, tình trạng ô nhiễm của tỉnh này gây hại cho tỉnh kia đã nói rất nhiều, đơn cử như tình trạng cá chết trắng do ô nhiễm từ 9 tỉnh thành đổ xuống sông Đồng Nai hồi tháng 6, hay việc thuỷ điện Dăk Mi 4 lấy nước từ Vu Gia sang Thu Bồn để vận hành nhà máy nhưng lưu lượng trả lại ít hơn lấy đi. Nếu chúng ta cứ đợi đến khi nhìn thấy sai mới sửa thì lúc đó việc “sửa chữa” sẽ vô cùng tốn kém. Thậm chí, toàn bộ tiền lợi nhuận từ DN nộp cho ngân sách cũng không đủ để cứu môi trường.
Hiện nay, các cơ chế hợp tác giữa các khu chế xuất, hợp tác nội vùng, liên vùng, các lưu vực… trong việc chia sẻ nguồn lợi từ tài nguyên đã có đủ hết. Vậy giải pháp cho việc sử dụng tài nguyên một cách công bằng và cân bằng nằm ở đâu nữa, thưa ông?
Vấn đề vẫn nằm ở việc thực thi tốt môi trường tuy nhiên việc này không hề đơn giản. Chúng ta phải tăng cường quản lý kết hợp với phát triển công nghệ, sản xuất sạch hơn, giảm thải ra môi trường. Tuy nhiên, với một nền kinh tế công nghệ thấp, lao động rẻ (bao gồm cả lao động quản lý), chủ yếu gia công thì việc gây ô nhiễm môi trường lẫn nhau vẫn nằm trong một vòng luẩn quẩn. Nếu DN có báo cáo tăng trưởng thì sự tăng trưởng ấy cũng tước đoạt từ môi trường, là lãi “ăn” vào môi trường, còn nếu thực thi đúng môi trường thì sự tăng trưởng không có lãi, thậm chí âm.
Hiện các cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, vùng, lưu vực đã có đủ hết. Nếu các địa phương vẫn thiếu sư phối hợp, “đối thoại” thì cần đến sự điều tiết của Nhà nước, dàn xếp của các bộ bởi chúng ta là người trong cùng một nước.
Hiện có nhiều DN tư nhân đã tạo được thương hiệu, đặc biệt xây dựng những tiêu chuẩn quản lý, chất lượng, môi trường tốt. Theo ông đây có phải là một giải pháp cho vấn đề này?
Đúng là hiện có nhiều DN đã chấp hành những tiêu chuẩn quản lý nhà nước, quy chế WTO khi tham gia thị trường toàn cầu. Họ làm vì thương hiệu và chính thương hiệu đã mang lại lợi nhuận cho họ, đây là bài học tốt cho chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu vẫn nằm ở việc hình thành cơ chế, chính sách thích hợp chia sẻ nguồn lợi chung. Chính sách khuyến khích sử dụng tài nguyên bền vững như thuế bảo vệ, truy thu và phạt tiền những người gây thiệt hại, hay phí dịch vụ môi trường…
Thanh Tuyền (thực hiện)
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An: Đề nghị bộ Tài nguyên và môi trường can thiệp Long An không thể làm gì để tránh nguồn ô nhiễm từ các tỉnh đầu nguồn. Muốn giảm thiểu ô nhiễm ở hạ nguồn thì các địa phương đầu nguồn phải xử lý tốt các tác nhân gây ra ô nhiễm trước khi xả vào dòng chảy sông Đồng Nai và các sông rạch khác trước khi nó chảy về đến địa phận Long An. Tuy nhiên, do mỗi tỉnh có một định hướng phát triển kinh tế xã hội của riêng mình, các tỉnh chưa hợp tác với nhau trong việc xử lý nguồn ô nhiễm, bởi địa phương nào cũng muốn giành phần lợi cho mình. Có một điều rất vô lý là người dân Long An gánh chịu ô nhiễm nặng nề từ các địa phương đầu nguồn nước, nhưng không hề nhận được sự trợ giúp, chia sẻ từ những địa phương trên. Theo tôi nghĩ, việc xử lý nguồn ô nhiễm từ những địa phương đầu nguồn sông Đồng Nai cần phải có sự can thiệp của Chính phủ và bộ Tài nguyên và môi trường, chứ Long An mỗi lần đi họp là nêu vấn đề ô nhiễm, nhưng nêu lên trong cuộc họp rồi sau đó mọi chuyện vẫn như cũ và ngày càng trầm trọng thêm. Hùng Anh (ghi) |