Nghiên cứu của VESDI về Tham vấn cộng đồng trong ĐTM các dự án Phát triển KTXH (GS. Lê Thạc Cán)

125.jpg

Nâng cao hiệu quả của công tác tham vấn cộng đồng (TVCĐ) trong đánh giá tác động môi trường (TĐMT) là một nội dung nghiên cứu đã được Viện Môi trường và Phát triển bền vững (MT&PTBV) thực hiện từ nhiều năm nay. Định hướng nghiên cứu này đã được các cơ quan quản lý môi trường của nhà nước ta và một số tổ chức quốc tế khuyến khích và hỗ trợ

Nâng cao hiệu quả của công tác tham vấn cộng đồng (TVCĐ) trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một nội dung nghiên cứu đã được Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (MT&PTBV) thực hiện từ nhiều năm nay. Định hướng nghiên cứu này đã được các cơ quan quản lý môi trường của nhà nước ta và một số tổ chức quốc tế khuyến khích và hỗ trợ. Với sự khuyến khích về phương hướng và hỗ trợ một phần về tài chính của tổ chức OXFAM GB, từ giữa năm 2010 Viện MT&PTBV đã thực hiện dự án “Nghiên cứu đề xuất chính sách cải tiến việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ĐTM các dự án phát triển KTXH”.
;

Từ tháng 7/2010 đến tháng 10/2011 dự án đã thực hiện 3 hoạt động chính:

 
         Nghiên cứu về chính sách và quy định về TVCĐ trong ĐTM các dự án phát triển KTXH của một số nước ngoài và của các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam;
         Khảo sát và nhận định về TVCĐ trong một số ĐTM ở cấp quốc gia và cấp địa phương ở Việt Nam;
         Đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về cải tiến TVCĐ trong ĐTM các dự án phát triển KTXH.
 

Viện MT&PTBV thấy rằng dự án được tiến hành tốt còn là một đóng góp có ích vào nhiệm vụ Hài hòa các quy định về ĐTM của Việt Nam với các quy định tương ứng của các tổ chức quốc tế như đã được xác định trong Tuyến bố Hà Nội năm 2005 về hiệu quả viện trợ.
 
Thực hiện dự án dựa trên các kết quả nghiên cứu liên quan trong nhiều năm trước tại các địa bàn khác nhau ở Việt Nam, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2010 Viện MT&PTBV đã hoàn thành 3 báo cáo:
 
1)    Chính sách, thực tiễn và kinh nghiệm về TVCĐ trong ĐTM của một số nước ngoài và của các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam;
 
2)    Khảo sát và nhận xét về TVCĐ trong ĐTM ở Việt Nam ở mức quốc gia và tỉnh/thành phố;
 
3)    Kiến nghị với bộ TNMT về cải tiến hoạt động TVCĐ trong ĐTM các dự án phát triển KTXH.
 
Báo cáo (1) đã được trình bày trong một hội thảo khoa học vào tháng 8/2010 với sự tham dự của đại diện OXFAM GB, các chuyên viên của VESDI, đại diện một số tổ chức NGO Việt Nam, nhiều chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý có kinh nghiệm nhiều năm về ĐTM ở Việt Nam.
 
Trong tháng 3/2011 nhân dịp Hội thảo Quốc gia lần thứ 3 về TNMT do Bộ TNMT tổ chức Chủ nhiệm dự án đã gửi đến Ban Tổ chức hội thảo báo cáo về “Sự cần thiết cải tiến công tác TVCĐ trong ĐTM các dự án đầu tư”. Báo cáo đã được trình bày tại hội thảo và đăng tải trong kỷ yếu khoa học của hội thảo. Báo cáo đã trình bày 4 vấn đề chính về TVCĐ trong ĐTM. Đó là:
 
1)    TVCĐ trong quá trình ĐTM dự án là rất cần thiết. Tuy nhiên cộng đồng cần được tham vấn phải hiểu một cách rộng rãi hơn dựa trên bước “xác định phạm vi ĐTM (scoping)” của dự án. Thông thường đó là các tổ chức chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự các cấp trên địa bàn chịu tác động của dự án; các cơ quan quản lý TNMT các cấp trên địa bàn này; các tổ chức xã hội nghề nghiệp dã dược nhà nước giao nhiệm vụ: tư vấn, phản biện, giám định xã hội về TNMT; các cá nhân người dân Việt Nam; các tổ chức khu vực quốc tế quan tâm đến tác động môi trường quốc gia và xuyên quốc gia của dự án.
 
2)    Quy định thời gian 15 ngày để UBND, UBMTTQ cấp xã phải làm việc với chủ dự án và cơ quan tư vấn ĐTM của dự án để góp ý kiến chính thức về báo cáo ĐTM của dự án là quá ngắn không phù hợp với yêu cầu tham vấn cho báo cáo ĐTM. Hiện nay các phần lớn các UBND, UBMTTQ cấp xã đều chưa có lực lượng cán bộ chuyên môn về TNMT, điều kiện về kinh phí để làm tốt việc đó. Chủ dự án và tư vấn về ĐTM không có trách nhiệm rõ ràng đối với các đối tượng trực tiếp chịu các tác động TNMT của dự án.
 
3)    Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều loại tổ chức có nguyện vọng, khả năng, nhiệm vụ và kiến thức chuyên môn để tham gia TVCĐ về TNMT của các dự án. Đó là các tổ chức xã hội, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, dòng họ sinh sống trên địa bàn của các dự án đầu tư. Đó cũng là các tổ chức xã hội nghề nghiệp (XHNN) đã được nhà nước giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các hoạt động phát triển KTXH tại các vùng, miền trong nước. Trong các năm qua nhiều tổ chức XHNN này đã thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều đề tài phát triển KTXH ở tầm quốc gia.
 
4)    TVCĐ cần thực hiện không chỉ trong quá trình xây dựng và thẩm định báo cáo ĐTM của dự án mà còn cần được tiến hành trong giai đoạn hậu của việc chủ dự án thực hiện các kết luận thẩm định của cơ quan QLTNMT liên quan. Quy trình hiện hành về TVCĐ trong ĐTM của Việt Nam hiện chưa đề cập đến vấn đề này.
 
Kiến nghị thứ nhất có thể xem là đã được xem xét trong quy định mới nhất và hiện hành về TVCĐ trong ĐTM là: Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 4/5/2011 của Chính phủ quy định về Đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM, cam kết BVMT và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT của Bộ TNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP. Các quy định mới này đã mở rộng sự tham gia TVCĐ trong ĐTM đới với cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án, không hạn chế trong Mặt trận Tổ quốc cấp xã như trước. Tuy nhiên Nghị định không nói đến các tổ chức, cá nhân liên quan hoặc quan tâm tới dự án nhưng không là người chịu tác động trực tiếp của dự án kể cả những tổ chức đã được nhà nước chính thức giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định về TNMT, cũng như các cơ quan có trách nhiệm quản lý TNMT ở trên cấp UBND cấp xã.
 
Dự án nhận thức rằng các quy định trong hai văn kiện quan trọng nói trên mặc dầu đã có định hướng nhất định về cải tiến công tác ĐTM các dự án đầu tư, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cải tiến công tác ĐTM trong các điều kiện cụ thể về phát triển kinh tế – xã hội hiện nay ở trong nước và thực hiện sự hài hòa các quy định thủ tục ĐTM ở Việt Nam với các quy định tương ứng của các tổ chức quốc tế theo Tuyên bố Hà Nội năm 2005. Tại Hội nghị quốc gia về ĐMC, ĐTM và CKBVMT ngày 4/11/2011 tại Hà Nội đại diện của Viện MT&PTBV đã trình bày nội dung chính của các ý kiến nêu trên với lãnh đạo Bộ TNMT và các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các ngành, các tỉnh tham dự hội nghị.
 
Ngày 5/11/2011 Viện MT&PTBV tổ chức Hội thảo lần thứ 2 của dự án. Tham gia hội thảo có Viện trưởng Viện MT&PTBV, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định và ĐTM của Bộ TNMT, đại diện OXFAM GB, các chuyên viên của VESDI, đại diện một số tổ chức NGO Việt Nam, nhiều chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý có kinh nghiệm nhiều năm về ĐTM ở Việt Nam.
 
Tại hội thảo cán bộ chủ trì dự án và chuyên viên của dự án đã trình bày hai báo cáo:
 
1)    Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tổng hợp việc TVCĐ trong ĐTM của 6 dự án phát triển KTXH có báo cáo ĐTM vừa được thẩm định tại Việt Nam, với 3 dự án có báo cáo ĐTM được thẩm định ở cấp trung ương và 3 dự án có báo cáo ĐTM được thẩm định ở cấp địa phương (tỉnh). Kết quả khảo sát cho thấy những tác dụng tích cực và những điều chưa đầy đủ của quy định về TVCĐ trong ĐTM trong quá trình thẩm định đã có.
 
2)    Báo cáo về tác động bước đầu của dự án về quy trình hiện hành về ĐTM các dự án phát triển KTXH và những nội dung kiến nghị với các cơ quan liên quan của nhà nước chú ý để tiếp tục cải tiến thủ tục ĐTM trên các mặt:
 
         Đối tượng cần được tham vấn;
         Thời gian quy định cho quá trình tham vấn, kinh phí cần cho tham vấn;
         Quyền hạn tham gia tư vấn của các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp quan tâm đến dự án;
         Tham vấn các đối tượng liên quan sau thẩm định báo cáo ĐTM;
         Việc tham gia của các cộng đồng được tham vấn vào quá trình thẩm định báo cáo ĐTM;
         Báo cáo ĐTM của dự án cần trình bày rõ sự tiếp thu của dự án đối với các nội dung đã được “cộng đồng” tham vấn;
         Gắn liền việc cải tiến TVCĐ trong ĐTM với nhiệm vụ hài hòa các quy định về ĐTM của Việt Nam với quy định của các tổ chức quốc tế và nước ngoài liên quan theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội năm 2005.
 
Hội thảo đánh giá tốt các ý kiến đã được trình bày trong hai báo cáo và đề nghị Viện MT&PTBV và dự án OXFAM GB tiếp tục trình bày các kiến nghị của dự án với Bộ TNMT và các cơ quan liên quan.

Hà Nội, 05/11/2011