Một vấn đề cần được chú ý về biến đổi khí hậu ở Viêt Nam

Null.gif
GS TS Lê Thạc Cán
;
Viện Môi trường và Phát triển Bền vững

Theo các thông tin của các cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu (BĐKH) trên thế giới cùng với Ai cập, Surinam, Bahama và Bangladesh Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất về BĐKH.
Nhìn chung BĐKH trên toàn cầu có hai tác động lớn: nước biển dâng và biến đổi các diễn biến về khí hậu và thời tiết. Do hiệu ứng khí nhà kính nhiêt độ Trai Đất tăng, băng ở Bắc cực và Nam cực tan chảy, nước biển vì vậy dâng cao. Phân bố nhiệt trên Trái Đất thay đổi tạo nên các biến động về thời tiết và khí hậu khác với quá khứ:
Cũng như ở nhiều nước khác ở Việt Nam do BĐKH phân bố và diễn biến nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, các hiện tượng gió, bão, lụt, khô hạn đều thay đổi. Ngoài những nguyên nhân chung cho nhiều nước đó là một nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông Việt Nam còn chịu những tác động của BĐKH đối với chế độ dòng chảy của con sông này.
Mekong cùng nhiều con sông lớn ở châu Á như Hoàng Hà, Trường Giang, Irawadi, Gange … có nguồn nước mùa khô do hệ thống núi băng, sông băng vùng núi Hymalaya và đất đóng bằng các vùng cao nguyên ở Tây Tạng, Ấn độ, Nepal cung cấp. Dưới tác động của BĐKH các nguồn băng này đang tan khá nhanh. Có thông tin sai lầm trong báo cáo của Al Gore cho rằng đến khoảng 2035 các nguồn băng này sẽ chấm dứt. Thông tin này đã được cải chính về độ chính xác về thời gian. Theo dự báo dưới tác động của BĐKH nguồn băng sẽ dần dần mất hết tuy thời gian có dài hơn.
Theo thông tin của AFP gần đây Xin Yuanhong, nhà khoa học đang nghiên cứu tình trạng môi trường lưu vực sông Trường Giang dự đoán rằng khoảng 10 năm tới 30% các sông băng trong khu vực cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng sẽ biến mất. Môt chuyên gia Trung quốc khác, ông Yao Tan Dong ước tính rằng các sông băng ở Thanh Hải-Tây Tạng sẽ mất hoàn toàn vào khoảng năm 2050.
Theo ước tính của một số chuyên gia Trung Quốc cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng cung cấp khoảng 50% lượng nước cho sông Hoàng Hà, 25% cho sông Trường Giang và 15% cho sông Mê Kong. Trước lúc Trung Quốc xây dựng và khai thác các hồ trên sông Lan Thương, tức phần lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc, khoảng 29% lưu lượng nước mùa khô trên sông Mê Kông tại biên giới tỉnh Vân Nam và CHDCND Lào là do phần thượng nguồn cung cấp. Nếu phần này bị giảm sút toàn bộ nguồn nước tại trung du và hạ du lưu vực Mê Kong sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa nói đến một nguyên nhân nhân tạo quan trọng khác là tác động của các dự định xây dựng và khai thác hơn 10 dự án thủy điện và thủy lợi trên dòng chính sông Mê Kong trên lãnh thổ CHDCND Lào, Thái Lan và Campuchia. Một phần không nhỏ lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Mê Kong của Việt Nam về BDKH ngoài các tác động do nước biển dâng, thay đổi thời tiết và khí hậu, còn phải chịu tác độ do băng tạ ở vùng núi Hymalaya và các cao nguyên phụ cận mà một số nhà khoa học đã gọi là cực thứ ba sau Bắc cực và Nam cực.       
Các tác dụng của việc hạ nhiệt cực thứ ba này về suy giảm tài nguyên nước ngọt, xâm nhập mặn, nhiễm mặn các vùng sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, suy giảm tài nguyên thủy sản, phù sa tại các vùng liên quan ở nước ta chưa được các nhà nghiên cứu về BĐKH nước ngoài lưu ý đúng mức. Các nhà nghiên cứu trong nước cũng chưa xem đó là một nhiệm vụ có tầm quan trọng ngang tác động của nước biển đâng, thay đổi về khí hậu và thời tiết trên lãnh thổ nước ta. Nhiệm vụ nghiên cứu này khá phức tạp đòi hỏi nghiên cứu sâu ở trong nước và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các nước ngoài.        
                   Hà Nội, 08/11/2010