Một khi hàng loạt các công trình thủy điện lớn được xây dựng trên dòng chính Mekong, thách thức đối với hợp tác Mekong sẽ gia tăng.;
Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, sông chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông Mekong có chiều dài dòng chính là 4880 km, diện tích lưu vực 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3. So với các lưu vực sông trên thế giới, Mekong đứng thứ 8 về tổng lượng dòng chảy, thứ 12 về chiều dài và thứ 21 về diện tích lưu vực.
Mekong là quê hương của trên 80 triệu người với trên 100 dân tộc khác nhau sinh sống làm thành một trong những vùng đa dạng văn hoá nhất trên thế giới. Lưu vực Mekong là nơi sản xuất một lượng lúa gạo đủ nuôi sống 300 triệu người trong năm.
Lưu vực sông Mekong là một trong những vùng có sản lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Trong lưu vực có trên 1300 loài cá sinh sống và chế độ dòng chảy dao động theo mùa đã cung cấp môi trường và thức ăn cho các loài động vật thuỷ sinh của lưu vực.
Ủy hội sông Mekong được thành lập năm 1995 theo một điều khoản của Hiệp định Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong 1995) được 4 quốc gia Hạ lưu vực (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việ Nam) ký ngày 5/4/1995. Việc ký Hiệp định Mekong 1995 khẳng định thiện chí của các quốc gia Hạ lưu vực tiếp tục duy trì, phát triển cơ chế hợp tác Mekong đã hình thành từ 1957 với mong muốn hợp tác phát triển bền vững và gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên chung này. Hợp tác Mekong trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng với những biến động chính trị trong khu vực.
Sau năm 1975 khi hòa bình ổn định được thiết lập trên toàn khu vực các quốc gia tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội, hợp tác Mekong cũng đứng trước cơ hội và thách thức mới.
Cơ hội lớn nhất cho hợp tác Mekong đó là sự công nhận và hỗ trợ lớn lao từ cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường của vùng Hạ lưu vực trong hơn 50 năm qua. Có thể nói sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế cùng với sự nỗ lực của các quốc gia thành viên đã bảo đảm duy trì và phát triển cơ chế hợp tác quan trọng này.
Tuy nhiên hợp tác Mekong luôn đối mặt với các thách thức. Trung Quốc và Myanma là hai quốc gia có một phần lãnh thổ nằm phần thượng nguồn lưu vực, đóng góp gần 18% tổng lượng dòng chảy sông Mekong nhưng không tham gia cơ chế hợp tác Mekong.
Vấn đề sông Mekong rất cần cơ chế cấp cao để thảo luận. MRC chỉ ở cấp cao nhất là Bộ trưởng các Bộ liên quan đến nguồn nước, do đó, có bàn cũng chỉ bàn được chuyện nước. Trong khi đó, vấn đề sông Mekong không đơn giản chỉ là câu chuyện nước. Cần đặt nó trong sự hợp tác tổng thể trong chiến lược hợp tác và phát triển chung. Việc tham gia của các cường quốc các quốc gia khác ngoài khu vực sẽ có tác dụng nhất định thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước MRC với nhau cũng như với Trung Quốc. – GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới. |
Đặc biệt là Trung Quốc (đóng góp 18% tổng lượng dòng chảy lưu vực) đã và đang phát triển mạnh mẽ các công trình hồ chứa thủy điện lớn trên dòng chính Mekong. Tác động có thể có của các công trình thủy điện này đang là mối quan ngại cho các quốc gia Hạ lưu vực.
Đối với các quốc gia hạ lưu vực, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế , sự gia tăng dân số nhanh chóng của các các quốc gia thành viên của Ủy hội Mekong đã và đang tạo sức ép ngày càng lớn lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của chính Hạ lưu vực Mekong và điều này tạo ra thách thức đối với hợp tác Mekong.
Áp lực lên tài nguyên lớn nhất đó là do nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng. Các quốc gia có nguồn tiềm năng thủy điện ở Hạ lưu vực đã nhìn nhận đây là nguồn lợi không thể không khai thác, hàng loạt các công trình thủy điện trên dòng nhánh đã và được xây dựng và nhiều bậc thang thủy điện lớn trên dòng chính sông ở Hạ lưu Mekong đang tiến hành những nghiên cứu và khảo sát để chuẩn bị xây dựng.
Theo những nghiên cứu đánh giá của chính Ủy hội sông Mekong, ngoài những lợi ích kinh tế do các công trình thủy điện mang lại, ở các mức độ khác nhau, các công trình thủy điện đơn mục tiêu này đều có tác động tiêu cực đến hạ lưu như làm thay đổi phân bố dòng chảy, giảm đáng kể lượng phù sa xuống hạ lưu, giảm lượng dinh dưỡng cho cá, tác động đến hình thái sông tăng sói lở bờ và cản trở giao thông thủy.
Những biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực cũng đã được các quốc gia có công trình và Ủy hội sông Mekong nghiên cứu đề xuất, tuy nhiên một khi hàng loạt các công trình thủy điện lớn được xây dựng trên dòng chính Mekong, thách thức đối với hợp tác Mekong sẽ gia tăng.
Đồng thời với thủy điện, áp lực sử dụng nước trong nông nghiệp và các ngành kinh tế đòi hỏi cần có lượng nước bổ sung từ ngoài lưu vực, nguồn nước sông Mekong cũng được nhắm đến như là giải pháp cho vấn đề bổ sung nước. Các đề án, dự án chuyển nước ngoài lưu vực đã có thời điểm được nêu trên công luận.
Những giải pháp giảm thiểu, cơ chế đánh đổi v..v tất cả vẫn đang được đặt ra trong và ngoài khuôn khổ hợp tác Mekong.
Thách thức đối với lưu vực và đối với hợp tác Mê Công sẽ gia tăng hơn rất nhiều trong điều kiện có biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Với đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo sẽ chịu tác động kép từ cả thượng lưu xuống và từ biển vào.
Sự hy vọng vào cơ chế hợp tác Mekong có thể "hóa giải" được các thách thức trên.
Hợp tác Mekong đã đánh dấu một mốc quan trọng, đúng 15 năm sau ngày ký kết Hiệp định Mekong 1995, ngày 5/4/2010, Hội nghị Thương đỉnh Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan với cam kết chính trị mạnh mẽ "Chúng tôi, các nhà lãnh đạo của bốn Chính phủ tuyên bố rằng, dựa trên những thành tựu của mười lăm năm thực hiện Hiệp định Mekong, việc hợp tác hơn nữa trong những năm tới giữa Chính phủ các nước thành viên là rất cần thiết nhằm tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái". (Tuyên bố Chung Hua Hin 5/4//2010).
Phát triển là không dừng lại, nhưng phát triển bền vững là con đường tồn tại lâu dài. Với các con sông quốc tế nói chung và sông Mekong nói riêng, tài nguyên nước và là tài sản chung của các quốc gia cùng chia sẻ, lợi ích của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng. Tuy nhiên nguyên tắc chia sẻ công bằng và hợp lý nguồn tài nguyên nước là nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận.
Với lịch sử hợp tác lâu dài với sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng quốc tế, các quốc gia hạ lưu vực đã gìn giữ được dòng sông như hiện nay, và với hy vọng hợp tác Mekong đứng trước thách thức mới sẽ phải tìm con đường đi để những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt trong "cuộc chiến" vì sự phát triển kinh tế và xã hội ngày càng nhiều liên quan đến nguồn nước, được hóa giải vì các thế hệ hôm nay và mai sau.