Lời tựa
;
Các cuộc khủng hoảng mang ý nghĩa báo hiệu về sự cần thiết phải tìm kiếm những công cụ mới, và chuyển đổi mẫu hình hiện có để giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển ở giai đoạn tiếp theo*. Lý thuyết về sự thay đổi mẫu hình ngày nay không chỉ áp dụng trong khuôn khổ các bộ môn khoa học tự nhiên. Trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp về kinh tế, biến đổi khí hậu, nhân đạo và những cảnh báo về giới hạn khai thác tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái, sự cần thiết phải chuyển dịch mô hình kinh tế, mô hình tăng trưởng hiện có đã được nhiều tổ chức, quốc gia đặt ra.
Ngay trong nửa sau của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, hướng tiếp cận “Nền kinh tế Xanh” được phát triển. Nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), UNESCAP, OECD, cũng như một số quốc gia phát triển và đang phát triển nghiên cứu và xây dựng chiến lược chuyển dịch dần theo hướng xanh hóa nền kinh tế; lấy việc giảm nhẹ và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển không chất thải, phục hồi và đầu tư vốn tự nhiên, phát triển công nghệ sạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo,v.v làm động lực phát triển.
Qua những rà soát ban đầu các nghiên cứu trên thế giới, có thể thấy hiện có hai cách tiếp cận khác nhau. Thứ nhất, đó là cách tiếp cận liên ngành như của UNESCAP chia theo các lĩnh vực xuyên suốt như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu dung bền vững, v.v. Thứ hai là cách tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế, trong đó sê-ri báo cáo Hướng tới nền kinh tế Xanh của UNEP là một ví dụ.
Nhằm phổ biến những thông tin cập nhật xung quanh các hướng tiếp cận “kinh tế xanh/tăng trưởng xanh”, đồng thời phù hợp với một trong bốn nhiệm vụ chính là phát hiện, nghiên cứu những công cụ quản lý mới trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường trân trọng giới thiệu bản dịch của Báo cáo tổng hợp phcuj vụ các nhà hoạch định chính sách với tiêu đề Hướng tới Nền kinh tế Xanh – Lộ trình cho Phát triển Bền vững và Xóa đói Giảm nghèo.
Báo cáo đưa ra khái niệm, giới thiệu những công cụ đo lường mới, các hướng trọng tâm cũng như làm rõ mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ môi trường, và vai trò của các nước đang phát triển trong một nền kinh tế xanh. Những kết quả của kịch bản đầu tư 2% GDP để xanh hóa các khu vực kinh tế trọng điểm được trình bày vắn tắt, minh họa bằng những câu chuyện thành công hoặc những tính toán có cơ sở khoa học trong từng lĩnh vực. Báo cáo đưa ra kết luận chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ mang lại tăng trưởng về dài hạn lạc quan hơn kịch bản phát triển thông thường, dù thể hiện theo công cụ truyền thống như GDP hay các công cụ đo lường khác toàn diện hơn.
Bước ra khỏi khuôn khổ của báo cáo, chúng tôi muốn gợi ra những suy nghĩ về việc thực hiện những cam kết của Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội cũng như vấn đề sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bên cạnh nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi tái cấu trúc nền kinh tế đang là đòi hỏi cấp thiết của Việt Nam hiện nay, hướng tiếp cận “kinh tế xanh/tăng trưởng xanh” có phải là lựa chọn đúng đắn, và nếu có, cần phải được thiết kế như tế nào để phù hợp với quy mô, trình độ và các điều kiện phát triển của nước ta?
Chúng tôi hy vọng, báo cáo này sẽ gợi cho người đọc những mối bận tâm và câu hỏi như chúng tôi đã từng trải nghiệm. Chúng tôi tin đây chưa phải câu trả lời hoàn toàn phù hợp cho Việt Nam, càng không phải là chân lý cuối cùng. Nhưng, việc đặt câu hỏi vào đúng thời điểm, đối với chúng tôi, đã là một sự khởi động đầy triển vọng cho một tương lai xanh của đất nước.
Cuối cùng, xin gửi tới Viện Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam lời cảm ơn sâu sắc về sự hỗ trợ của Viện để bản tiếng Việt của báo cáo được hoàn thành và xuất bản.
TS. Nguyễn Văn Tài
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
NỘI DUNG CHÍNH CỦA ẤN PHẨM
Lời nói đầu
Giới thiệu
- Từ khủng hoảng tới cơ hội
- Kỷ nguyên phân bổ vốn không hiệu quả
- Nền kinh tế xanh là gì?
- Chúng ta còn cách nền kinh tế xanh bao xa?
- Đo lường quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh như thế nào?
- Hướng tới nền kinh tế xanh
Những phát hiện chính
- Một nền kinh tế xanh ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên
- Nền kinh tế xanh là trụ cột để giảm nghèo
- Một nền kinh tế xanh tạo ra việc làm và cải thiện công bằng xã hội
- Một nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch
- Một nền kinh tế xanh khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn
- Nền kinh tế xanh hướng tới lối sống đô thị bền vững và sự giao thông các-bon thấp
- Nền kinh tế xanh tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế nâu về dài hạn, đồng thời duy trì và phục hồi vốn tự nhiên
Khung chính sách hỗ trợ
- Thiết lập các khuôn khổ pháp lý phù hợp
- Ưu tiên đầu tư và chi tiêu Chính phủ trong những lĩnh vực kích thích xanh hóa các thành phần kinh tế
- Hạn chế chi tiêu trong những lĩnh vực làm cạn kiệt vốn tự nhiên
- Sử dụng thuế, các công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư xanh và cải tiến
- Đầu tư và tăng cường năng lực, giáo dục và đào tạo
- Tăng cường quản trị quốc tế
Đảm bảo tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Kết luận
Phụ lục
Phụ lục I: Đầu tư và nền kinh tế xanh hàng năm (theo khu vực)
Phụ lục II: Mô hình Threshold 21 (T21)
Phụ lục III: Các tác động khi phân bổ thêm 2% GDP để xanh hóa nền kinh tế toàn cầu (Kịch bản Xanh) trong tương quan với mức đầu tư 2% trong mô hình phát triển thông thường (Kịch bản BaU2)