Mỹ Hòa;
“Những thế lực tư nhân, thế lực tài phiệt đang định hình việc sử dụng tài nguyên nước ở sông Mekong. Các lợi ích sẽ không vào tay nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam, nhân dân Thái Lan mà sẽ đi vào túi của họ”, GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân nhận định.
Muốn đủ điện, Việt Nam cần 23 dòng Mekong
Điện hiện tại là một nhu cầu rất cấp thiết đối với VN nói riêng, và các quốc gia hạ lưu sông Mekong nói chung. Thời gian gần đây, đặc biệt từ 2007, trong phạm vi của 4 quốc gia tham gia hạ lưu khu vực sông Mekong rộ lên vấn đề phát triển thủy điện. Đến nay đã có 12 dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện trên dòng chính trên lãnh thổ Thái Lan, Lào và Campuchia.
Vậy khai thác thủy điện trên hạ lưu Mekong có giúp giải quyết nhu cầu điện cấp bách về điện hiện nay của Việt Nam cũng như mang lại lợi ích kinh tế lớn cho VN?
Theo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong mà ông Jeremy Carew-Reid – chuyên gia biến đổi khí hậu – trình bày trong hội thảo thì các con đập trên dòng chính của hạ lưu sông Mekong có thể bổ sung thêm 11% khối lượng điện cần có ở hạ lưu sông Mekong từ năm 2015 đến năm 2025.
Đối với riêng Việt Nam thì đến năm 2025, các dự án này sẽ đáp ứng được 4,4% nhu cầu năng lượng quốc gia. Căn cứ theo con số trên, chúng ta phải có tới… 23 con sông Mekong mới đủ đáp ứng tổng nhu cầu.
Về mặt lợi ích năng lượng thu được từ thủy điện dòng chính đối với VN cũng chỉ là 5%. Vì vậy có thể thấy thủy điện dòng chính ít có ý nghĩa quan trọng đối với ngành năng lượng của VN, tác động về mặt hạ giá thành điện của chúng cũng chỉ thấp hơn 1,5%.
Trong khi đó, tác động của việc khai thác thủy điện Mekong là một tác động tổng thể, đối với cả mặt kinh tế, xã hội cũng như môi trường sinh thái, và là tác động đa quốc gia. Là một quốc gia nằm ở hạ lưu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ còn phải chịu tác động lớn hơn từ những dự án khai thác này.
Trước hết là đối với vấn đề trầm tích phù sa. Từ trước tới nay, VN vốn bị các nước thượng lưu "ghen tị" vì được hưởng lượng trầm tích phù sa rất lớn do ở hạ nguồn, điều này đã tạo nên vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú.
Vấn đề chuyên chở phù sa rất quan trọng với VN. Nếu xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong, phù sa thô, trung bình sẽ lắng đọng hết ở các hồ chứa, không về VN. Phù sa mịn cũng như các chất dinh dưỡng đến được ĐBSCL cũng sẽ chỉ còn khoảng 25% so với hiện nay, nghĩa là giảm tới 75%.
Về thủy sản – một nguồn lợi quan trọng của "niêu cơm" ĐBSCL – nếu tất cả các đập ở dòng chính và dòng nhánh được vận hành thì sẽ mất khoảng 42% sản lượng cá, thủy sản hiện nay, đập ở dòng chính sẽ làm thiệt hại 17% sản lượng. Đó là mới tính sản lượng cá, chưa kể việc mất các loài này loài, biến đổi hệ sinh thái của khu vực.
Nguy cơ lớn nhất là việc các con đập cùng xả nước. Theo ông Jeremy: khi các đập nước vận hành đỉnh điểm "có thể tăng mạnh tốc độ và lúc đó các mức nước sẽ tăng cao và các dao động mức nước theo các sự kiện theo mùa cho đến hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Có tiềm năng sẽ có các đỉnh mức nước hàng giờ cao tới 3-6m ở các thị trấn và các làng bản nằm cách xa 40-50km dưới hạ lưu".
Không những vậy, trong trường hợp xả lũ không có kế hoạch hoặc khẩn cấp, các sự kiện đỉnh mức nước có thể còn lớn hơn và có thể trong 1-2 tiếng chảy rất xa xuống hạ lưu, có ít thời gian để thông báo. Việc các đập nước xả đột ngột ở các vùng địa chấn yếu sẽ gây nên động đất.
Có thể thấy những lợi ích của xây dựng thủy điện trên Mekong là quá nhỏ so với tác động tổng thể về mọi ngành nghề kinh tế kinh tế, cũng như toàn bộ hệ sinh thái: sự dịch chuyển nhanh, khó tiên đoán của ranh giới mặn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu, phá rừng…
Chưa kể việc mua điện còn khiến chúng ta có thể bị động trong trường hợp nước bán điện có biến động. Chuyên gia nghiên cứu độc lập Ths.Nguyễn Hữu Thiện đã dẫn chứng trường hợp từng xảy ra ở Chile năm 2001: Argentina ngưng cung cấp gas cho Chile khi trong nước bị thiếu.
Cái hại đã nhãn tiền, nhưng và liệu phần lợi ích từ phát triển thủy điện có đền bù được?
Thế lực tài phiệt chi phối
Xét lợi ích của các quốc gia trong việc xây dựng thủy điện tại hạ lưu sông Mekong, Lào sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Dân số ít, nhu cầu năng lượng thấp, trong khi tiềm năng thủy điện lại rất lớn, lượng điện sản xuất ra của Lào sẽ chủ yếu dành cho xuất khẩu. Tham vọng của Lào là trở thành nguồn pin cho cả Đông Nam Á.
"Nếu tất cả 12 thủy điện dòng chính được triển khai thì Lào sẽ thu được 70% nguồn thu từ xuất khẩu thủy điện (2,6 tỷ USD/ năm)" – Ông Jeremy cho biết. Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế hiện tại của mình, bản thân Lào không thể xây dựng các công trình thủy điện nếu không có các nhà đầu tư tư nhân.
Vì vậy, trong giai đoạn nhượng quyền khai thác thủy điện, phần lớn các lợi ích đối với Lào không sinh lời cho đất nước và chính phủ nước này, mà sẽ rơi vào "túi" các nhà phát triển, các nhà tài chính của các dự án đó.
Tình trạng tương tự cũng đúng với các khoản thu xuất khẩu. Chỉ đến sau giai đoạn nhượng quyền khai thác (có thể là 25 năm), việc sở hữu dự án mới được chuyển giao cho các nước sở tại và bắt đầu sinh lời cho các nước này.
Từ thực tế này, các chuyên gia dự báo xảy ra nguy cơ lợi ích nhóm có thể xảy ra đối với bất kể công trình thủy điện do nước nào tiến hành.
"Những thế lực tư nhân, thế lực tài phiệt đang định hình việc sử dụng tài nguyên nước ở sông Mekong. Và nếu họ làm được ở Việt Nam được thì họ cũng làm được ở Thái Lan, Campuchia.v.v… Các lợi ích sẽ không vào tay nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam, nhân dân Thái Lan mà sẽ đi vào túi của họ", GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân nhận định.
Nhìn nhận từ khía cạnh này, đại biểu quốc hội Kỹ Quang Vinh của Cần Thơ đặt vấn đề: "Chúng ta có thể đặt cuộc sống, sinh mạng của 20 triệu dân ĐBSCL dưới bàn tay đóng mở nắp của một số tập đoàn tư nhân hay không?".
Tham gia làm thủy điện, Việt Nam sẽ "khó ăn khó nói"
Đứng trước các nguy cơ và thách thức quá lớn của các dự án thủy điện tại hạ lưu sông Mekong, tại buổi Đối thoại chính sách "Phát triển đập thủy điện trên sông Mekong và thách thức đối với VN", các đại biểu đều tán đồng ý kiến nên hoãn dự án lại 10 năm. Trong thời gian đó chúng ta sẽ có những nghiên cứu, bàn thảo, đánh giá tác động cụ thể và chính xác để đi đến quyết định cuối cùng.
"Việt Nam cần đi đầu đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này, và có các phiên điều trần, họp cụ thể. Trong thời gian trì hoãn, không có công ty Việt Nam nào tham gia đầu tư", ông Jeremy đề xuất.
Nếu Việt Nam có thái độ không dứt khoát và tham gia các dự án thủy điện này, thì khi có vấn đề xảy ra chúng ta sẽ ở thế "khó ăn khó nói", khó có thể đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Bản thân Việt Nam có lợi thế riêng trong việc này. Vì có tới 96% nhu cầu điện đến năm 2025 bắt nguồn từ Thái Lan và Việt Nam – và cả hai nước có khả năng cần mua đến 90% lượng điện sản xuất ra từ dòng chính. Nếu Thái Lan và Việt Nam quyết định không mua lượng điện này thì các dự án – tất cả đều được thiết kế để xuất khẩu – sẽ có khả năng không thể tiếp tục được.
Tuy nhiên, cũng phải xác định rõ, vấn đề thủy điện trên dòng chính Mekong là vấn đề chung của các nước, trong khi hiện nay Ủy hội sông Mekong mới chỉ có 4 thành viên tham gia: Lào, Thái Lan, Campuchia, VN. Trung Quốc và Myanmar là 2 nước nằm trong lưu vực chiếm vị trí quan trọng nhưng lại chỉ tham gia với tư cách đối thoại.
Có một hiện tượng mà giáo sư Trân gọi là "Đồng sàng dị mộng" giữa các quốc gia: chung dòng sông Mekong nhưng mỗi quốc gia trong cùng hệ thống sông Mekong lại đặt lợi ích của mình lên trên.
Đứng trước thách thức trên, đề xuất các đại biểu đưa ra là cần thuyết phục để các nước nhìn nhận được lợi ích của việc "hợp tác cùng phát triển" để tham gia và chia sẻ. Khai thác tài nguyên nước tại một quốc gia, lưu vực phải kèm theo trách nhiệm với tất cả các thay đổi trong toàn lưu vực do khai thác này gây ra, cả kinh tế, xã hội, hợp tác cùng phát triển. Số liệu khí tượng thủy văn phải được chia sẻ ở toàn lưu vực, tất cả là rất cần thiết để quản lý các rủi ro trong toàn lưu vực.
Thêm vào đó chúng ta cần phát huy các vai trò quốc tế của VN hiện nay. "Chúng ta ở trong ASEAN, và chúng ta lại có cơ chế ASEAN+ , cộng Mỹ, cộng Nga, cộng Trung Quốc vào và chúng ta sẽ có một vị trí trong ASEAN" – ông Nguyễn Đình Xuân – đại biểu quốc hội Tây Ninh nói.
Ngoài ra chúng ta cũng cần tận dụng tầm quan trọng của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề đồng bằng Sông Cửu Long là vấn đề toàn cầu, vì đây ko phải là vựa lúa của riêng Việt Nam. Việt Nam hiện xuất khẩu 1/5 – 1/4 lượng lúa gạo thế giới. Trong tình hình lúa gạo thế giới khan hiếm do biến động khí hậu, người ta phải thấy nếu làm ảnh hưởng đến ĐBSCL thì sẽ ảnh hưởng toàn cầu.
Tận dụng phù hợp các vai trò ảnh hưởng quốc tế này, Việt Nam sẽ có cơ hội xử lý những thách thức do dự án thủy điện dòng chính Mekong đặt ra.
M. H.
Nguồn: Vietnamnet
Được đăng bởi bvnpost vào lúc 05:33
Nhãn: Mekong