Thực tế chứng minh rằng, các làng nghề truyền thống đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đối lập lại là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các làng nghề gia công, tái chế kim loại.
Sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại thông qua áp dụng công nghệ phù hợp, biện pháp thực hành môi trường tốt nhất (BEP) và hỗ trợ chính sách” được Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Winrock International phối hợp quản lý thực hiện., Sáng kiến được triển khai từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2025. Mục tiêu cụ thể của sáng kiến gồm
(i) Xây dựng và kết nối mạng lưới các bên liên quan cùng tham gia và lan tỏa sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại;
(ii) Thiết lập mô hình cải thiện chất lượng môi trường hiệu quả tại các làng nghề gia công, tái chế kim loại trên cơ sở áp dụng công nghệ phù hợp và và thực hành môi trường tốt nhất (BEP);
(iii) Áp dụng và nhân rộng mô hình cải tiến công nghệ phù hợp và thực hành môi trường tốt nhất (BEP) nhằm giảm thiểu hiệu quả ô nhiễm môi trường tại các làng nghề gia công, tái chế kim loại; và
(iv) Hỗ trợ chính sách bảo vệ môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại thông qua: xây dựng Phương án BVMT cho làng nghề và Biện pháp BVMT cho các cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020
Hiện nay, Sáng kiến đang thực hiện thí điểm các giải pháp kỹ thuật tại làng nghề tái chế nhôm Bình Yên, Nam Định. Ở thôn Bình Yên, việc tái chế nhôm đã kéo dài gần 40 năm và hoạt động này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân trong thôn mà còn đóng góp vào việc tái chế, giảm thiểu rác thải và tận dụng tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, môi trường ở làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói và bụi từ các lò nấu cô nhôm không chỉ gây ô nhiễm không khí xung quanh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm xoang, hen suyễn, và nhiều bệnh khác. Tiếp theo, là vấn đề về nước thải. Các dòng nước thải từ quá trình tráng nhúng chứa nhiều chất độc hại như Crom và Chì, làm ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nước thải này cũng gây ra nguy cơ ngập úng vào mùa mưa và ảnh hưởng đến canh tác và sinh hoạt của cư dân làng.
Tính đến cuối tháng 11/2024, Sáng kiến đã lắp đặt thành công 16 tháp hấp thụ xử lý khí thải, 02 buồng lò nấu nhôm được xây mới và 1 hệ thống xử lý nước thải quy mô nhỏ và đã nhận được những đánh giá tích cực của bà con. Sắp tới đây, Sáng kiến sẽ thực hiện nhân rộng các giải pháp kỹ thuật đến 80% số hộ gia đình sản xuất tại làng nghề.