“Để làng nghề Bình Yên được bình yên”

"Để Làng Nghề Bình Yên được Bình Yên"

Theo số liệu khảo sát tháng 8/2023, làng nghề Bình Yên thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có 170 hộ sản xuất, kinh doanh làm nghề cơ khí, đúc nhôm (chiếm 28,24% tổng số hộ trong thôn). Trong đó, có 77 hộ cô đúc nhôm phế liệu, 27 hộ sản xuất gia công cơ khí nhôm và 66 hộ sản xuất đồ gia dụng nhôm có hoạt động tẩy rửa làm sáng, bóng sản phẩm có sử dụng hóa chất như muối, bột kẽm, xút, Crom, axit H2SO4,… Lượng nước thải sản xuất trung bình của làng nghề khoảng 470 m3/ngày, lượng nước thải này được chứa tại hồ lắng trước khi thải ra kênh mương Ba Cồn, sông Hàng, sông Trục quanh làng nghề. Điều này dẫn đến môi trường nước xung quanh làng nghề bị ô nhiễm, nhiều chỉ tiêu vượt quá Quy chuẩn cho phép (COD, Crom, pH,…). Chất thải rắn thông thường của làng nghề, bao gồm chất thải rắn sinh hoạt (khoảng 1 tấn/ngày) được thu gom vận chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung xã Nam Thanh để xử lý bằng phương pháp đốt. Chất thải rắn công nghiệp gồm xỉ than, xỉ cô nhôm,… (khoảng 3 tấn/ngày) được tập trung về khu tập kết bãi xỉ (6120 m2) để lưu chứa và thuê vận chuyển xử lý. Khí thải từ các lò cô đúc nhôm đều chưa có biện pháp xử lý bụi, khí thải, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân trong làng nghề và các làng xung quanh. Thực trạng này đặt ra nhu cầu cấp thiết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề gia công, tái chế kim loại.

Sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại thông qua áp dụng công nghệ phù hợp, biện pháp thực hành môi trường tốt nhất (BEP) và hỗ trợ chính sách” được Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Winrock International phối hợp quản lý thực hiện, Sáng kiến được triển khai từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2025. Mục tiêu cụ thể của sáng kiến, gồm:

(i) Xây dựng và kết nối mạng lưới các bên liên quan cùng tham gia và lan tỏa sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại;

(ii) Thiết lập mô hình cải thiện chất lượng môi trường hiệu quả tại các làng nghề gia công, tái chế kim loại trên cơ sở áp dụng công nghệ phù hợp và và thực hành môi trường tốt nhất (BEP);

(iii) Áp dụng và nhân rộng mô hình cải tiến công nghệ phù hợp và thực hành môi trường tốt nhất (BEP) nhằm giảm thiểu hiệu quả ô nhiễm môi trường tại các làng nghề gia công, tái chế kim loại; và

(iv) Hỗ trợ chính sách bảo vệ môi trường làng nghề gia công, tái chế kim loại thông qua: xây dựng Phương án BVMT cho làng nghề và Biện pháp BVMT cho các cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Với cách tiếp cận Tác động tập thể, VESDI là cầu nối với các bên liên quan của Sáng kiến, bao gồm các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội địa phương, các Hiệp hội, mạng lưới, trường đại học và đặc biệt là người dân làng nghề cùng chung tay để hướng tới mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *