Biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% diện tích và sản lượng, đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu hiện nay của nước ta:
Biến đổi khí hậu với hiệu ứng là nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng đã và đang làm gia tăng sự khác biệt về tổng lượng nước giữa hai mùa trong năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của vùng này. Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngọt trong các lưu vực sông vào mùa khô, kèm theo xâm nhập mặn gia tăng, gây thiếu nước trầm trọng cho nông nghiệp. Trong khi đó, vào mùa mưa, lưu lượng và mực nước lũ lớn lại phá vỡ hệ thống đê bao, các công trình cơ sở hạ tầng… phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp của người dân.
;
Những thiên tai úng, lụt, hạn, mặn đang xảy ra thường xuyên hơn với tần suất càng ngày càng lớn hơn, theo dự báo sẽ làm một tỷ lệ lớn đất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long bị mất do ngập và nhiễm mặn trong vài thập kỷ nữa. Khi mà diện tích canh tác bị thu hẹp đi thì chắc chắn sẽ làm giảm năng suất lúa và các cây lương thực khác. Đặc biệt, nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu hiện nay làm cho sâu bệnh, dịch bệnh phát triển, càng làm tăng nguy cơ cho cây trồng và vật nuôi, ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tác động đó sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn nữa trong những năm tới nếu không có những giải pháp nhằm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ. Điều này đòi hỏi những nỗ lực mang tính xây dựng và trách nhiệm từ tất cả các cấp, các ngành và từ chính mỗi bản thân chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
ĐM_Theo mekong-photocontest.com/vi