Sự phát triển nhanh chóng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã và đang làm thay đổi cảnh quan quốc gia, làm xuống cấp các cảnh quan tự nhiên, làm cô lập các hệ sinh thái và làm mất đi sinh cảnh sống của các loài động thực vật hoang dã. Hà Nam là một trong những tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, mặc dù có diện tích rừng không lớn nhưng tỉnh đang sử hữu khu vực núi đá Kim Bảng – Tam Chúc có chất lượng sinh cảnh tốt, đáng chú ý khu vực này còn đang sở hữu quần thể Voọc mông trắng, đây là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới, là loài đặc hữu của Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 300 cá thể, rừng Kim Bảng đã phát hiện đến nay có lên tới 100 cá thể.
Năm 2016, các nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) cho thấy môi trường sống của đàn Voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh đang đứng trước các mối đe dọa nghiêm trọng do các hoạt động của con người gây ra bao gồm tình trạng săn bắn, khai thác đá, xâm lấn để trồng trọt và chăn nuôi dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích rừng hay diện tích sinh cảnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bảng có rất nhiều doanh nghiệp khai thác đá, hoạt động ngày càng làm tăng sự đe dọa đối với loài Voọc.
Năm 2017, nhiều văn bản từ Trung ương và của tỉnh Hà Nam đã được ban hành để thực hiện chủ trương xây dựng Dự án thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với mong muốn phát triển và bảo tồn loài Voọc nói riêng và đa dạng sinh học nói chung, đề xuất các giải pháp, kế hoạch, quy hoạch phù hợp để bảo tồn, phát triển các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, cảnh quan, và đa dạng sinh học trong khu vực.
Tuy nhiên cơ sở dữ liệu về ĐDSH ở Khu vực Kim Bảng – Hà Nam chưa được điều tra cụ thể, chưa thành lập được khu bảo tồn để quản lý hiệu quả tài nguyên. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý thống nhất, chia sẻ và khai thác sử dụng, thậm chí còn gây lãng phí do điều tra, nghiên cứu trùng lặp, hạn chế việc hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực vì thiếu hệ thống thông tin cần thiết. Để khắc những tồn tại trên, việc điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học nhằm thành lập Khu bảo tồn và xa hơn thành lập di sản thiên nhiên UNESCO là hết sức cần thiết. Dự án “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên phục vụ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Bảng – Tam Chúc, hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di sản thiên nhiên thế giới” sẽ được Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI) triển khai từ tháng 09/2024 đến tháng 8/2026.
Mục tiêu chung của dự án là thành lập được “Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng Kim Bảng – Tam Chúc” tại Hà Nam nhằm bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan, góp phần thực hiện mục tiêu chung của chính phủ trong đề án khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Bảo tồn đa dạng sinh học hiện có trong khu vực, góp phần thực hiện “Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030″, phù hợp chiến lược phát triển du lịch sinh thái, kinh tế xã hội của tỉnh và quốc gia và hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di sản thiên nhiên thế giới.