BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY HOẠCH
BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC (ĐDSH)
Phạm Bình Quyền, VACNE
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt nam;phambinhquyen@yahoo.com
Nguyễn Ngọc Linh, Cục Bảo tồn ĐDSH
Mở đầu
Một trong những nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH là tiến hành quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở các cấp độ khác nhau. Đây là công tác trọng tâm đã được Luật ĐDSH năm 2008 trình bày trong cả một chương, được Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định cụ thể trong các điều liên quan.
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, dưới đây bước đầu nên lên một số vấn đề chính góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH đang ngày càng được các ngành và các địa phương quan tâm.
Một số vấn đề chung về quy hoạch bảo tồn ĐDSH
Về mặt quan điểm: Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật; phù hợp với các chủ trương đường lối chung về phát triển kinh tế – xã hội,về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong các chiến lược quốc gia, các kế hoạch hành động quốc gia liên quan. Đồng thời, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của nước ta cũng phải phù hợp cao nhất với các chiến lược, kế hoạch ,quy hoạch và pháp luật bảo tồn ĐDSH của quốc tế và khu vực. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH kế thừa các quy hoạch liên quan về sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vận dụng được các kết quả điều tra cơ bản về ĐDSH, về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH đã có. Quy hoạch phải thiết thực, khả thi trên cơ sở phân tích, đánh giá nguồn thực hiện quy hoạch, đánh giá thực trạng và nhu cầu khai thác sử dụng ĐDSH và các sản phẩm của ĐDSH, kể cả nhu cầu trong và ngoài nước liên quan, có thể thích nghi được với các biến động về kinh tế, xã hội và môi trường. Một trong những quan điểm cần được tuân thủ là: Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải bảo đảm quyền lợi quốc gia, đồng thời chú trọng thoả đáng tới lợi ích các ngành, các địa phương và đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân bản địa.
Một số nội dung chính của quy hoạch
Trước hết, phải nói tới việc quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên: Tính đến năm 2008 Việt Nam đã có 128 khu bảo tồn (KBT) được phân bố trên các vùng sinh thái trong cả nước bao gồm 30 VQG, 48 khu Dự Trữ Thiên Nhiên , 12 khu bảo tồn loài/sinh cảnh và 38 khu bảo vệ cảnh quan với diện tích gần 2,5 triệu hecta, chiếm 7,6% diện tích tự nhiên. Các kiểu HST rừng chủ yếu, một số HST biển đảo, đất ngập nước chủ yếu, đặc trưng có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, các loài động thực vật nguy cấp, đặc hữu, quý hiếm và sinh cảnh của chúng trên hầu hết các hệ sinh thái rừng dã là đối tượng ưu tiên bảo tồn. Ngoài hệ thống khu bao tồn thiên nhiên (rừng đặc dụng),Ngoài ra vào năm 2008, 45 khu Bảo tồn vùng nước nội địa; năm 2010 , 16 khu Bảo tồn biển được Chính phủ phê duyệt . Bên cạnh đó đã có một số hình thức khu bảo tồn khác được các tổ chức quốc tế công nhận gồm: 2 khu đất ngập nước Ramsar, 8 khu bảo tồn sinh quyển, 4 khu di sản, ASEAN và đặc biệt là 2 khu di sản thiên nhiên Thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống các KBT thiên nhiên hiện nay phần lớn đều có diện tích nhỏ, phân bố phân tán. Trong số 128 KBT có tới 14 khu (chiếm 10,9% tổng số KBT rừng) có diện tích nhỏ hơn 1.000 ha; 52 khu (40,6%) có diện tích nhỏ hơn 10.000 ha (bao gồm 4 VQG, 9 khu DTTN, 9 khu bảo vệ loài và 30 khu bảo vệ cảnh quan); Chỉ có 12 khu có diện tích từ 50.000 ha trở lên. Nhiều KBT còn bao chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư; ranh giới một số KBT trên thực địa chưa rõ ràng, còn có tranh chấp; tính liên kết các khu yếu, chưa hình thành được các hành lang liên kết các KBT. Đặc biệt, việc phân loại KBT trên cạn, biển và đất ngập nước còn nhiều bất cập.
Theo Luật Đa dạng sinh học, hệ thống các khu bảo tồn bao gồm vườn quốc gia, khu dữ trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan. Dưới đây đề cập tới các kết quả đã đạt được sự đồng thuận tương đối về các tiêu chí lựa chọn từng loại như là công cụ để từng bước thống nhất việc phân hạng KBT phục vụ quy hoạch.
Đối với các Vườn quốc gia (VQG) :
– Khu vực bảo tồn phải bao gồm một hay nhiều mẫu đại diện cho các vùng tự nhiên , có các loài động thực vật, rạn san hô, môi trường sống, các hiện tượng địa chất ,có giá trị đặc biệt về tinh thần, khoa học, giáo dục, giải trí hay phục hồi sức khoẻ.
– Mỗi VQG phải có íl nhất 2 loài động, thực vật đặc hữu hoặc trên 10 loài nguy cấp được ghi trong Sách đỏ của Việt nam
– Diện tích của VQG cần đủ rộng để duy trì bền vững về mặt sinh thái học (trên 10.000 ha đối với các VQG trên đất liền, trên 10.OOO ha đối với các VQG biển và trên 5.000 ha đối với VQG ĐNN, trong đó còn ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên có giá ĐDSH cao).
– Trong VQG có một phân khu BT nghiêm ngặt (vùng lõi) tại đó không cho phép thực hiện các hoạt động phát triển (nếu có thể rộng hơn 10.000 ha).
– Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư so với diện tích VQG phải nhỏ hơn 5%.
– Vườn quốc gia được Chính phủ ra quyết định thành lập. Đối với vườn Quốc Gia nằm trên địa giới của hai hay nhiều tỉnh do cơ quan TW quản lý.
Đối với các Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN):
– Khu vực phải có các loài động thực vật hoặc các loài sống ở rạn san hô, nơi cư trú và các cảnh quan địa lý có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục, vui chơi giải trí hay phục hồi sức khoẻ.
– Phải có ít nhất 1 loài động thực vật đặc hữu hoặc trên 5 loài nguy cấp được ghi trong sách đỏ Việt nam
– Diện tích tối thiểu của KDTTN là 7.000 ha trên đất liền, 10.000 ha trên biển và 3.000 ha đối với khu ĐNN . Trong KDTTN, diện tích các hệ sinh thái tự nhiên có ĐDSH cao phải chiếm ít nhất là 70%.
– Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư so với diện tích KDTTN phải nhỏ hơn 5%.
– Khu DTTN có thể do cấp Chính phủ, Bộ hoặc UBND tỉnh và thành phố ra quyết định thành lập. Đối với các KDTTN nằm trên địa giới của 2 hay nhiều tỉnh do cấp TW quản lý.
Đối với các khu bảo tồn loài, sinh cảnh:
– Các khu đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ thiên nhiên và duy trì cuộc sống của các loài (bao gồm: Khu sinh sản, khu ĐNN, rạn san hô, cửa sông, đồng cỏ, khu rừng, bãi cá đẻ, thảm cỏ biển).
– Có nơi cư trú có giá trị bảo tồn cao đối với sự sống còn của các loài động, thực vật có tầm quan trọng quốc gia hay địa phương, hoặc của các loài động vật định cư hay di cư.
– Khu vực phải có ít nhất 1 loài động thực vật đặc hữu hoặc trên 3 loài nguy cấp được ghi trong Sách đỏ Việt Nam .
– Việc bảo tồn các nơi cư trú và các loài trong khu vực cần phải áp dụng các giải pháp có sự can thiệp tích cực của cơ quan quản lý;
– Diện tích các khu này tuỳ thuộc vào yêu cầu về nơi cư trú của các loài cần bảo vệ, có thể biến đổi từ tương đối nhỏ đến rất lớn, nhưng thông thường không dưới1.000 ha.
– Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư so với diện tích KBT phải nhỏ hơn 10%.
– Do Chính phủ, Bộ hoặc UBND tỉnh và thành phố ra quyết định thành lập, các cơ quan chức năng cấp tỉnh quản lý.
Đối với các khu bảo vệ cảnh quan:
– Khu bảo vệ cảnh quan bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, các cảnh quan môi trường trên đất liền, ĐNN và biển đảo có giá trị thẩm mỹ cao, sinh cảnh đa dạng, với các loài động thực vật độc đáo hay có các hình thức sử dụng tài nguyên truyền thống và tổ chức xã hội cũng như phong tục, tập quán, cách sống, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
– Khu vực cũng bao gồm cảnh đẹp, các di tích lịch sử, di sản văn hoá có giá trị cao đối với giáo dục và du lịch sinh thái .
– Khu vực không nhất thiết phải có các hệ sinh thái tự nhiên hoặc các loài động thực vật nguy cấp.
– Diện tích của KBV cảnh quan thấp nhất là 500 ha.
– Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp và đất canh tác so với diện tích KBVCQ phải nhỏ hơn 10 % .
– KBV cảnh quan có thể do Chính phủ, Bộ hoặc UBND tỉnh và thành phố ra quyết định thành lập, các cơ quan chức năng quản lý với sự tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương .
Đối với việc quy hoạch các KBT vùng nước nội địa (BTVNNĐ) cần chú ý:
· Trong quy hoạch BTVNNĐ, có thể có một số khu đã nằm trong một số các khu BTTN đã được phê duyệt và đang thực hiện hoặc chưa bao quát các HST đất ngập nước đặc trưng có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, do tính đặc thù, nhiều khu đề xuất hiện nằm ngoài các khu BTTN đã có. Bởi vậy, nhìn chung, việc quy hoạch các khu BTVNNĐ vẫn có nét độc lập với các loại hình Bảo tồn hiện có ở nước ta.
· Việc xác định và xây dựng các khu BTVNNĐ phải dựa trên đặc điểm về điều kiện tự nhiên, thực tế tài nguyên, môi trường của nước ta, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế. Các khu BTVNNĐ phải được đặt trong hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước , khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, có mối quan hệ chặt chẽ với các khu bảo tồn rừng, ĐNN, biển trong một thể thống nhất, không đối lập về mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, đối tượng bảo vệ.
· Một khu BTVNNĐ được xếp vào một thứ hạng nhất định, cần có sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ các đối tượng khác nhau, nhằm tạo ra một tác động tổng hợp, đạt hiệu quả cao mục tiêu bảo tồn.
· Phạm vi, ranh giới của một khu BTVNNĐ cần được xác định sao cho phù hợp với đời sống của các đối tượng được bảo vệ, đặc biệt là với cá di cư, chim di trú. Đồng thời, cũng cần linh hoạt, phù hợp với qui luật biến động của điều kiện tự nhiên trong KBT, đặc biệt là chế độ thủy văn, điều kiện môi trường sống, dưới tác động của thiên nhiên và con người. Theo đó, ranh giới của một KBTVNNĐ nên là một ranh giới động, một vùng ranh giới, thay vì một đường ranh giới cố định.
Khu BTVNNĐ có thể do Chính phủ, Bộ hoặc UBND tỉnh và thành phố ra quyết định thành lập, các cơ quan chức năng quản lý với sự tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương ; tuy nhiên hình thức tổ chức, quy chế quản lý Khu BTVNNĐ có thể sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là do không có tên đối tượng và hạng mục sử dụng theo luật đất đai .
Đối với việc quy hoạch các Khu bảo tồn biển cần lưu ý:
Việc lựa chọn các Khu bảo tồn biển Việt Nam cần chú ý 3 nhóm tiêu chí sau:
– Nhóm thứ nhất: 10 tiêu chí của IUCN: (l). Tính tự nhiên hoang dã ; (2). Đa dạng sinh học; (3). Tầm quan trọng trong địa sinh vật; (4). Tầm quan trọng sinh thái; (5). Tầm quan trọng kinh tế; (6). Tầm quan trọng xã hội; (7). Tầm quan trọng khoa học; (8). ý nghĩa quốc gia và quốc tế; (9). Tính thực tế/khả thi; (l0). Diện tích (> 10.000 ha).
– Nhóm thứ hai : Tiêu chuẩn xác định kiểu loại KBTB Việt Nam .
– Nhóm thứ 3: So sánh tỷ lệ giữa tổng giá trị ĐDSH cấp loài và tổng số loài nguy cấp, quý, hiêm, bị đe doạ (hiện thời và nguy cơ tiềm tàng).
Việc quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ cũng đã được Luật Đa dạng sinh học năm 2008 quy định. Theo đó, chúng ta có hệ thống các loại vườn thực vật, vườn động vật,hồ bảo tồn các loài sinh vật biển, các trạm cứu hộ và đặc biệt là ngân hàng gen.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sắp tới, tính đến hiện trạng các vườn thực vật còn thiếu hệ thống, không đủ số lượng, hạn hẹp về diện tích, việc quy hoạch các vườn thực vật từ nay tới năm 2020 cần quy hoạch mới và có phương án bảo tồn đối với ít nhất 50 vườn thực vật có tính chất tiêu biểu cho quốc gia và cho vùng: 3 vườn quốc gia đặt tại các địa phương Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng các vườn và vung, địa phương.
Quy hoạch các vườn động vật và trạm cứu hộ động vật cần:
Củng cố và phát triển các vườn động vật và trạm cứu hộ động vật hiện có, kiện toàn cơ chế quản lý các vườn và các trạm này; đặc biệt là các vườn thú Hà Nội, t/p. Hồ Chí Minh; xây dựng mới vườn thú cho khu vực miền Trung (Đà Nẵng)
Xây dựng mới tối thiểu 3 trạm cứu hộ động vật ở phía Bắc, phía Nam và khu vực Đèo Ngang – Hải Vân, hoàn thành trước năm 2015.
Khuyến khích và tạo điều kiện để các ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân chung sức xây dựng, chăm sóc, quản lý các vườn thú và các trạm cứu hộ động vật theo quy định của pháp luật.
Việc quy hoạch hành lang đa dạng sinh học được Luật ĐDSH quy dịnh tuy mới mẻ, nhưng rất quan trọng và cần thiết, có thể dựa trên những kết quả nghiên cứu đã có về hành lang xanh, về sáng kiến hành lang ĐDSH tại Quảng Nam, Quảng Trị hành lang nói các khu bảo tồn Bình Định – Gia Lai (Kong Ca Kinh- An Toàn – Kong Cha Rang hoặc dựa vào một số đoạn tuyến phòng vệ dọc biên giới, cũng như những thỏa thuận sơ bộ về các VQG xuyên biên giới, như một dạng hành lang ĐDSH đặc biệt. Theo đó, để đáp ứng quy hoạch hành lang ĐDSH, chúng ta cần:
Thiết lập một số đoạn hành lang ĐDSH phù hợp dọc theo biên giới theo dãy Trường Sơn giữa Việt Nam với Lào và với Campuchia.
Tùy từng khu vực, có thể thiết lập một số hành lang ĐDSH nối giữa các KBTTN với nhau theo mô hình của Quảng Trị, Quảng Nam, Gia lai, Bình Định và Lâm Đồng, trong những trường hợp có thể thì liên kết với dãy hành lang ĐDSH dọc theo biên giới;
Xúc tiến thành lập 2 cụm và 4 KBT xuyên biên giới với Lào và Campuchia theo mô hình liên kết đã cơ bản được nhất trí giữa 3 VQG ChưMon Rây, Đong Am Phan và ViRaChey (Ngoài ra mô hình liên kết trên còn có 3 cặp VQG giữa Việt Nam và Lào và 2 cặp VQG giữa Việt Nam và Campuchia đã được đề xuất).
Những vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới
Để có thể tiến hành thành công việc quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước, của các địa phương và một số ngành, còn rất nhiều vấn đề phải được tiếp tục làm sáng tỏ.
Về mặt nghiên cứu, cùng với việc hoàn chỉnh lộ trình và các bước quy hoạch, nhất thiết phải làm rõ các vấn đề về phương pháp lập quy hoạch, trong đó chú trọng các phương pháp hiện đại như chồng ghép bản đồ, GIS,… Tiếp theo, cần làm rõ và đề xuất các giải pháp để thống nhất việc quy hoạch và quản lý hệ thống các khu bảo tồn đối với vùng lãnh thổ trên cạn, đất ngập nước và vùng biển theo Luật ĐDSH.
Như vậy việc quy hoạch lại hệ thống khu BT thống nhất của VN đã là một yêu cầu bức thiết, không thể chậm trễ hơn được nữa và đó cũng là cơ sở dể có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành
Trong các quyết định thành lập các khu bảo tồn, đặc biệt là các vườn quốc gia, vùng đệm thường được nhắc tới như một nội dung không thể thiếu. Tuy nhiên, việc quy hoạch và đặc biệt là việc quản lý vùng đệm cũng như hành lang
ĐDSH như thế nào đến nay còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý quan trọng. Nhìn chung, việc quản lý vùng đệm không nghiêm ngặt và chặt chẽ bằng việc quản lý vùng lõi – vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia, nhưng chắc chắn phải chặt chẽ hơn các vùng không phải là vùng đệm về phương diện bảo tồn. Lý là vậy, nhưng thực tế lại không hề đơn giản, về một phương diện nào đó còn phức tạp hơn quản lý vùng lõi mà chủ yếu là cần xem xét điều chỉnh Luật Đất đai. Có lẽ chính chính đây là một lý do để đến nay chưa có đủ các quy định pháp lý cần thiết quản lý vùng đệm. Vấn đề này không thể kéo dài hơn.
Công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH theo đúng nghĩa thực chất chưa được tiến hành ở nước ta. Thông thường ở nước ta, công tác quy hoạch của ngành, thường do 1 viện điều tra quy hoạch hoặc thiết kế quy hoạch phụ trách và có lực lượng lớn, hàng trăm có khi cả nghìn người. Tình hình hiện nay cho thấy cả về mặt tổ chức lẫn lực lượng cán bộ đều chưa sẵn sàng bảo đảm thực hiện có kết quả công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Đây là một thách thức lớn trước mắt.
Vấn đề cuối cùng cần đề cập tới là vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, bao gồm cả nhận thức của cán bộ và người dân. Đây vừa như một mục tiêu, vừa như một giải pháp để thực hiện tốt quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Đây cũng là kinh nghiệm đã được xác nhận. Hơn nữa, như đã trình bày, một trong những nguyên tắc của quy hoạch là có sự đồng thuận cao giữa các ngành và của người dân. Trong phương pháp quy hoạch, vai trò người dân và sự tham gia của họ có vị trí quan trọng. Do vậy, phải thường xuyên áp dụng các giải pháp không ngừng nâng cao nhận thức cộng đồng về quy hoạch bảo tồn ĐDSH.
Kết luận
Nghiên cứu để góp phần thực hiện tốt công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH đang là một thực tế đòi hỏi nhiều nỗ lực của các nhà khoa học và quản lý của nước ta. Những kết quả nghiên cứu bước đầu theo hướng này được trình bày ở đây là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện phương pháp, lộ trình và đặc biệt là các nội dung của quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Giải quyết được thách thức này vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận, vừa đóng góp xứng đáng vào thực tiễn, góp phần bảo tồn ĐDSH đặc sắc và phong phú của nước ta.