Bài Tham luận của GS Lê Thạc Cán tại Hội nghị MT toàn quốc lần thứ 3

Null.gif

SỰ CẦN THIẾT CẢI TIẾN CÔNG TÁC

THAM VẤN CỘNG ĐỒNG TRONG ĐÁNH GIÁ

TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

                                                                                    GSTS Lê Thạc Cán

Viện Môi trường & Phát triển Bền vững

P201, B26, 19 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội

Đt: (84-4) 37765632, Fax:(84-4-37765633

E-mail: lethaccan@yahoo.com; vesdi.office@gmail.com

Huy động sự tham gia của cộng đồng trong mọi công việc của đât nước là chính sách đã được các cơ quan nhà nước của Việt Nam vận dụng trong thời gian chiến đấu bảo vệ đất nước cũng như trong hòa bình xây dựng  đất nước. Chính sách này đã được thực hiện một cách tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và quản lý môi trường (QLMT). Trong đó có việc xây dựng, thẩm định và thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án đầu tư. Việc huy động sự tham gia của cộng đồng tại đây được gọi là tham vấn cộng đồng (TVCĐ). Chính sách và quy định về TVCĐ trong ĐTM các dự án đầu tư được thể hiện trong các luật BVMT năm 1993, năm 2005 và các văn bản dưới các luật này. Trong đó Thông tư 05/2008/TT-BTNMT hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), ĐTM và Cam kết BVMT ban hành ngày 08/12/2008 là quy định hiện hành liên quan TVCĐ trong ĐMC, ĐTM và CKBVMT.

Quy định này đã xem TVCĐ là việc nhất thiết phải thực hiện trong ĐTM, đã xác định nội dung và trách nhiệm về TVCĐ của chủ dự án, của tư vấn ĐTM, của UBND và UBMTTQ cấp xã tại địa bàn dự án, của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM trong toàn bộ quá trình ĐTM dự án đầu tư. Đó là những điều hết sức cần thiết để phát huy tác động của TVCĐ trong quá trình ĐTM. Tuy nhiên quy định về TVCĐ trong ĐTM trình bày trong thông tư 05/2008/TT-BTNMT có những nội dung cần xem xét đầy đủ hơn. Sau đây là những nội dung đó:.

1) Về TVCĐ trong lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án đầu tư Thông tư 05/2008/TT-BTNMT quy định chủ dự án gửi văn bản thông báo cho UBND, UBMTTQ cấp xã nơi thực hiện dự án về các hạng mục đầu tư, các giải pháp BVMT, các sơ đồ liên quan và cam kết BVMT của dự án và đề nghị các UBND, UBMTTQ này đóng góp ý kiến. Quy định này có ưu điểm là UBND, UBMTTQ cấp xã là tổ chức chính quyền và công chúng cấp cơ sở tại địa bàn dự án sát với những vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường kinh tế, xã hội liên quan trực tiếp đến người dân địa phương. Tuy nhiên các dự án đầu tư thường liên quan không chỉ một mà nhiều xã, huyện, thậm chí nhiều tỉnh/thành phố, vùng. Nhiều vấn đề tài nguyên và môi trường của dự án mang tính liên địa phương rộng rãi. Cùng TVCĐ các UBND, UBMTTQ cấp xã riêng rẽ như Thông tư 05/2008/TT-BTNMT đã quy định trong ĐTM chủ dự án phải thực hiện việc TVCĐ liên xã, thậm chí liên quận/ huyện, tỉnh/thành phố. Tùy theo tác động môi trường được dự báo các UBND, UBMTT , các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường các cấp liên quan trên toàn bộ địa bàn dự án đều cần được tham vấn. Quy định TVCĐ các UBND, UBMTTQ cấp xã riêng rẽ như Thông tư 05/2008/TT-BTNMT yêu cầu là không đủ. Trong quá trình xây dựng báo cáo ĐTM của dự án thường có khâu “xác định phạm vi ĐTM dự án (Scoping)”. Đối tượng cần TVCĐ là những cơ quan nào, tổ chức nào cần được xác định trên cơ sở xác định phạm vi này chứ không thể chỉ là các UBND, UBMTTQ cấp xã riêng rẽ nằm trên địa bàn dự án.. 

2) Dựa trên quy định tại khoản 4, điều 1, của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP, Thông tư 05 quy định trong thời hạn 15 ngày làm việc UBND,UBMTTQ cấp xã phải thực hiện một số việc: nghiên cứu văn bản về dự án do chủ dự án gửi tới các UB này; tổ chức đối thoại giữa chủ dự án và các bên liên quan trên địa bàn xã  và làm văn bản trả lời chủ dự án về kết quả TVCĐ. Quá thời hạn 15 ngày nếu UBND, UBMTTQ cấp xã không có văn bản trả lời chủ dự án thì xem như các UB này nhất trí với đề xuất của chủ dự án. Xét theo tình hình thực tế về quản lý môi trường ở nước ta hiện nay quy định này không hợp lý. UBND. UBMTTQ cấp xã hiện có rất nhiều khó khăn về cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường, về kinh phí, về điều kiện thông tin. Quy định nêu trên về cơ bản rất khó khả thi với các UBND, UBMTTQ cấp xã. Quy định này trên thực tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông qua một cách nhanh chóng dự án đang được đề xuất. TVCĐ trở thành mang tính hình thức tạo điều kiện dễ dàng cho việc thông qua báo cáo ĐTM của dự án. Ngân hàng Phát triển Châu Á quy định báo cáo ĐTM của các dự án vay vốn của Ngân hàng phải được công bố tại địa điểm quy định trong thời hạn 120 ngày để lấy ý kiến TVCĐ. Ngân hàng Thế giới cũng quy định báo cáo ĐTM của dự án vay vốn của ngân hàng phải được công bố tại các cơ quan thông tin chính thức của ngân hàng trong thời gian cần thiết để công chúng rộng rãi có thể xem xét và đóng góp ý kiến tham vấn. Không tổ chức nào quy định một thời gian TVCĐ về ĐTM quá ngắn ngủi như trong Thông tư 05/2008/TT-BTNMT .

3) Cùng với các tổ chức chính quyền và mặt trận trong xã hội nước ta hiện nay đã có nhiều loại tổ chức có khả năng và thẩm quyền TVCĐ có hiệu quả cho các báo cáo ĐTM các dự án đầu tư: Đó là các tổ chức về nghề nghiệp, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, dòng họ của các cộng đồng nhân dân sinh sống trên địa bàn hoạt động của các dự án đầu tư. Đó cũng là các tổ chức xã hội-nghề nghiệp đã được nhà nước chính thức giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội  đối với các dự án, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên các địa bàn, vùng, miền của nước ta. Để có hiệu quả thiết thực cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các báo cáo ĐTM của các dự án cần tổ chức một cách đầy đủ và nghiêm túc việc TVCĐ các tổ chức nêu trên.

4) TVCĐ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi dự án đi vào vận hành chính thức (Phụ lục 19, Phụ lục 20, Phụ lục 21, Phụ luc 22, Thông tư 05/2008/TT-BTNMT). Đó là việc các cơ quan quản lý liên quan xem xét và xác nhận rằng chủ dự án đã thực thi đầy đử các kết luận phê duyệt báo cáo ĐTM  của dự án. Việc TVCĐ trong các khâu này có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên các văn bản nêu trên của Thông tư 05/2008/BTNMT đã  không đề cập gì đến sự tham gia của cộng đồng trong các việc này.                

TVCĐ có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng báo cáo ĐTM, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, cũng như thực hiện các nội dung cụ thể của báo cáo này trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư. So với thực tế nhiều năm trước đây thông tư 05/2008/BTNMT đã nâng cao công tác TVCĐ trong ĐTM các dự án đầu tư lên một bước. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm yếu cần được xem xét khắc phục như đã nêu trên..

Để khắc phục các điểm yếu nói trên của Thông tư 05/2008/BTNMT cần bổ sung vào thong tư những quy định sau:

– Phạm vi TVCĐ cần thiết trong quá trình xây dựng báo cáo ĐTM phải được xác định theo phạm vi (scope) TĐMT của dự án do cơ quan xây dựng báo cáo ĐTM xác định và trình cơ quan sẽ thẩm định báo cáo này thong qua. Nếu TĐMT chỉ xẩy ra tại từng xã/phường riêng rẽ thì có thể TVCĐ riêng rẽ tại các xã/phường này như Thông tư 05/2008/BTNMT đã quy định. Nếu TĐMT của dự án mang tính liên xã/phường, liên huyện/quận, thậm chí liên tỉnh/vùng thì việc TVCĐ phải thực hiện trên các địa bàn liên vùng này. Cơ quan thực hiện TVCĐ không chỉ là UBND, UBMTTQ cấp xã phường riêng rẽ nữa mà phải là UBND, UBMTTQ cấp cao hơn, hoặc cơ quan quản lý TNMT cấp tương ứng.

– Hoạt động TVCĐ về báo cáo ĐTM của dự án đòi hỏi thông tin đầy đủ, thời gian và kinh phí cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước có thể cung cấp cho các dơn vị thực hiện TVCĐ một phần kinh phí này, chủ dự án và cơ quan tư vấn về ĐTM của dự án phải đóng góp thông tin và kinh phí cần thiết cho các hoạt động này..     

– Ngoài các cơ quan nhà nước, cơ quan MTTQ liên quan các cơ quan và tổ chức sau đây cần được huy động vào TVCĐ về báo cáo ĐTM của dự án: các cơ quan quản lý TNMT không trực tiếp tham gia thẩm định báo cáo ĐTM của dự án, các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa của các cộng đồng nhân dân hoạt động trên địa bàn dự án, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoạt động trên địa bàn dự án. Các tổ chức này đã được nhà nước ta chính thức giao nhiệm vụ tư vấn, giám định và phản biện xã hội đối với các hoạt động kinh tế-xã hội ở nước ta.

Việc bổ sung các đề xuất nêu trên vào Thông tư 05/2008/BTNMT sẽ làm cho việc TVCĐ các báo cáo ĐTM được đầy đủ hơn và phát huy tác dụng cần có.